Quy hoạch tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

10:36' - 05/01/2023
BNEWS Sáng 5/1, sau phiên khai mạc, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các căn cứ và quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia; Thực trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua; Kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém chủ yếu, nguyên nhân.

 

Tổng chức không gian phát triển quốc gia thống nhất

Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển.

Trước hết, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. 

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Trước hết, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tóm tắt các định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; Định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; đồng thời nêu giải pháp, nguồn lực thực hiện.

Bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch

Trình bày báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để bảo chất lượng Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về các nội dung chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, báo cáo tổng hợp quy hoạch được xây dựng cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch, tuy nhiên còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình - địa mạo, địa chất - thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiên cứu cụ thể hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đối với các nội dung này. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các sơ đồ, bản đồ thể hiện một cách thống nhất giữa nghị quyết, báo cáo quy hoạch và sơ đồ, bản đồ đối với phạm vi quy hoạch, tỷ lệ, sự tương thích… các nội dung quy hoạch, đồng thời, đề nghị cần khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục