Quý I/2018, kết quả rà soát về cắt giảm điều kiện kinh doanh phải trở thành hiện thực

12:22' - 20/02/2018
BNEWS Chính phủ vừa ban hành Nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương và đây là một trong những văn bản đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký trong năm 2018.
Quý I/2018, kết quả rà soát về cắt giảm điều kiện kinh doanh phải trở thành hiện thực. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), văn bản này được xem là tín hiệu khởi đầu cho một năm cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh. một động thái rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương và là kết quả tích cực thể hiện hành động thực sự giống như thông điệp đầu năm của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông mong muốn các Bộ, ngành đặt mục tiêu trong quý I, kết quả rà soát phải trở thành hiện thực và các Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh phải được ban hành. Có như vậy mới thể hiện đầy đủ cam kết của Chính phủ với các Bộ, ngành.

Việc ban hành Nghị định 08 về sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là một hành động thực tế và chỉ khi xã hội nhìn thấy được Nghị định này thì tất cả những cam kết trước đây của Bộ Công Thương và Chính phủ mới trở thành hiện thực.

TS Hiếu cho biết, từ trước đến nay trong rà soát giấy phép kinh doanh vẫn nổi lên vướng mắc là chưa phân biệt được thế nào là điều kiện kinh doanh. Điều kiện kinh doanh chỉ là một phần, một mặt của tổng hợp rất nhiều quy định khác nhau, cơ quan quản lý đừng quá sa đà tranh cãi điều kiện kinh doanh là gì? Khi thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh thì họ cần phải đọc, thậm chí là đọc một cách tổng quan toàn bộ các quy định pháp luật có liên quan, nó không chỉ điều chỉnh trong quá trình gia nhập thị trường mà cả quy định điều chỉnh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, tìm ra những quy định mà nó tạo ra những bất hợp lý, gia tăng chi phí, gây rủi ro cho doanh nghiệp và cần phải được bãi bỏ.

TS Hiếu cho biết thêm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh ở giai đoạn 1 thì rất hợp lý, nhưng ở giai đoạn sau càng khó khăn bởi chúng ta thường lo ngại bỏ điều kiện kinh doanh thì sẽ lấy gì quản lý và quản lý như thế nào?. Do đó, việc thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi các Bộ, ngành phải nghiên cứu, tổ chức triển khai và tìm kiếm những công cụ phù hợp cho nhóm đối tượng, từng loại hành vi kinh doanh, từng giai đoạn, công đoạn kinh doanh. Trên cơ sở đó, xác định những công cụ và thậm chí phải thay đổi cả cách thức, tổ chức bộ máy thực hiện.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục