Quý I, vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp hơn 2 lần

20:49' - 07/04/2025
BNEWS Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1.386.700 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Thống kê, Bộ Tài chính mới công bố, quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 4%, song số vốn đăng ký tăng nhẹ 1,3%. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong quý đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1.386.700 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tín hiệu tích cực về quy mô đầu tư của doanh nghiệp.

 Bên cạnh đó, có 36.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng mạnh 54,8% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 đạt hơn 72.900 doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng, có hơn 24.300 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, trong quý I/2025, có 329 doanh nghiệp đăng ký mới hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có gần 8.600 doanh nghiệp, giảm 5,9%; trong khi khu vực dịch vụ gần 27.500 doanh nghiệp, giảm 3,3%.

Cục Thống kê cũng chỉ ra, trong tháng 3/2025, cả nước có 15.600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 126.300 tỷ đồng, tăng 54,2% về lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với tháng trước; còn so với cùng kỳ tăng 3,4% về lượng và giảm 4,7% về giá trị.

Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tháng 3 cũng ghi nhận 9.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,3% so với tháng trước và gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Cũng trong tháng 3/2025, cả nước có 4.392 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23,6% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, có 4.899 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng đến 64,9% so với tháng trước, dù giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, có 2.137 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng, tăng 23,0% so với tháng trước và tăng tới 54,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính chung trong quý I/2025, cả nước có 61.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,1%; gần 5.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,0% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xét theo một số lĩnh vực hoạt động, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tiếp tục dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 12.628 doanh nghiệp, tuy nhiên ghi nhận mức giảm tới 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực này là 2.199, tăng 20,2%.

Ngành xây dựng cũng ghi nhận tình trạng tương tự với 3.512 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 16,1% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng 17,4% lên 412 doanh nghiệp.

Mặt khác, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tín hiệu tích cực hơn khi ghi nhận 4.675 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng tới 24,1% với 639 doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê cho biết, Cục này đề xuất đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics. "Chính phủ cần có các chính sách đột phá thu hút các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam“, bà Nga cho hay.

Trong xu thế phát triển mới về kinh doanh bền vững, trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục