Quy trách nhiệm lãnh đạo vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công

08:37' - 01/04/2023
BNEWS Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn đã trao đổi với phóng viên TTXVN về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ba tháng đầu năm nay, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, đến thời điểm này việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công của tỉnh được thực hiện đến đâu?

 
Phó Chủ tịch Phan Trọng Tấn: Thực hiện Quyết định số 1513 ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; đến giữa tháng 12/2022 tỉnh Phú Thọ đã phân bổ 100,6% kế hoạch được giao với tổng số 4.047 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách trung ương 2.459 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.587 tỷ đồng (tăng 25 tỷ đồng từ nguồn vốn bội thu ngân sách địa phương).

Phóng viên: Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân tương đối cao trong toàn quốc, vậy tỉnh đã có giải pháp nào để đạt được kết quả này thưa ông?

Phó Chủ tịch Phan Trọng Tấn: Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm bằng nhiều nhóm giải pháp cụ thể.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban, thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm đến cấp huyện. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; lấy chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại chất lượng công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị.

Trong kế hoạch đầu tư, tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án ngay từ năm trước năm kế hoạch, phân bổ vốn ngay sau khi được Trung ương thông báo vốn, bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ.

Tỉnh cũng kịp thời điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án trọng điểm, có tiến độ thực hiện nhanh; tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động cho các huyện, thành, thị trong thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập tổ công tác đôn đốc tiến độ giải ngân, báo cáo định kỳ hàng tháng; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp và các chủ đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết đối với từng dự án. Đối với các dự án trọng điểm cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai, giao từng đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách trực tiếp chỉ đạo.  Đặc biệt, bồi thường, giải phóng mặt bằng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, 2023.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Phú Thọ là một trong các địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong toàn quốc (năm 2022 đạt 99,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao); đến nay, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt 17% kế hoạch.

 

Phóng viên: Thưa ông, việc giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước tỉnh thời gian qua đã kịp thời chưa và ông đánh giá việc này có tác động như thế nào trong việc phục vụ cho các dự án trong tỉnh?

Phó Chủ tịch Phan Trọng Tấn:  Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ là cơ quan luôn nỗ lực trong thực hiện các thủ tục hành chính; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Theo đó, thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng kho bạc số là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 theo Quyết định số 455 ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi đánh giá, Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ đã chủ động, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, quản trị các hoạt động nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, hạ tầng truyền thông được trang bị tương đối hiện đại, đồng bộ, tính bảo mật cao; đảm bảo kết nối liên thông số liệu giữa các cơ quan Kho bạc Nhà nước - Thuế - Hải quan - Tài chính - ngân hàng và khách hàng giao dịch. Cán bộ công chức ngành Kho bạc được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Đặc biệt, từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, theo đó việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ của tổ chức, doanh nghiệp, công dân được thực hiện nhanh chóng; khách hàng không phải mang chứng từ thủ công đến Kho bạc Nhà nước; giao dịch được thực hiện ở mọi thời điểm thông qua chứng từ điện tử.

Vì vậy, tôi cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ thời gian qua tương đối kịp thời, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, các dự án đang thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có tác động như thế nào tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh?

Phó Chủ tịch Phan Trọng Tấn: Phú Thọ là địa phương thuộc Vùng Trung du miền núi phía Bắc, địa kinh tế còn có mặt hạn chế, phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được nhiều dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược. Xác định được điểm nghẽn trên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là 19 dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng, kết nối Phú Thọ với các địa phương lân cận; tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cải thiện địa kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục