Quy trình tiếp nhận, sàng lọc và cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế

17:30' - 13/05/2021
BNEWS Quy trình thăm khám sàng lọc ở các cơ sở y tế khám chữa bệnh trong mùa dịch COVID-19 đã được qyt định rõ ràng trong Quyết định 5188/QĐ-BYT Bộ Y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có Quyết định 5188/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Theo đó, trong Quyết định trên có phần hướng dẫn về phòng, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế:

PHÂN LUỒNG, TIẾP NHẬN, SÀNG LỌC VÀ CÁCH LY NGƯỜI NHIỄM HOẶC NGHI NGỜ NHIỄM SARS-COV-2

1. Mục đích
Sàng lọc NB, người nhà NB, khách thăm, NVYT nhằm phát hiện và cách ly sớm người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, qua đó ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho NVYT, NB khác và cộng đồng.
2. Nguyên tắc thực hiện
- Cơ sở KBCB cần xây dựng kế hoạch, hệ thống nhận biết, phân loại, sàng lọc và quản lý người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 ngay khi đến khám bệnh. Người có triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người), người có yếu tố dịch tễ (đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với người nhiễm hoặc có nguy cơ...) cần được hướng dẫn, sàng lọc và khám riêng.
- Cơ sở KBCB cần xây dựng kế hoạch sàng lọc NB đang nằm viện, người nhà, khách thăm và NVYT. Cần thiết lập quy trình đón tiếp, sàng lọc, khám bệnh, phân loại, cách ly, chuyển viện riêng cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, người có yếu tố dịch tễ bắt đầu ngay từ cổng bệnh viện.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt (PNC và phòng dựa theo đường lây truyền).
3. Phạm vi áp dụng: Tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Sàng lọc, cách ly người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2
4.1. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, phương tiện
- Bố trí, thiết lập khu vực, phòng cách ly bảo đảm yêu cầu cách ly. Có khu vực/phòng khám sàng lọc riêng cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cả khoa khám bệnh và khoa cấp cứu (căn cứ theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SARS-CoV-2 do chủng vi rút Corona mới ngày 29/7/2020 của BYT) và phòng cách ly NB sau khi sàng lọc có nghi ngờ hoặc xác định nhiễm SARS-CoV-2 tại khoa khám bệnh và khoa cấp cứu.
- Khu vực buồng đợi, buồng khám, buồng làm thủ thuật cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 phải đảm bảo thông khí tốt, nên có ít nhất trên 12 luồng khí trao đổi mỗi giờ. Có thể thực hiện bằng cách mở toàn bộ cửa sổ, cửa ra vào cùng một hướng trong trường hợp sử dụng thông khí tự nhiên. Nếu bệnh viện sử dụng điều hòa trung tâm thì phải tăng cường số ACH và kiểm tra mức độ an toàn của hệ thống thông khí trung tâm thường xuyên, định kỳ ở các khu vực này.
- Phương tiện PHCN (Xem phần Hướng dẫn sử dụng phương tiện PHCN).
- Phương tiện VST đầy đủ ở tất cả khu vực tiếp nhận NB đến khu vực sàng lọc, khám và điều trị.
- Các dụng cụ, thiết bị và hóa chất khử khuẩn thiết yếu dùng trong chăm sóc, điều trị NB.
- Các phương tiện vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, dụng cụ, đồ vải...
4.2. Các biện pháp quản lý hành chính
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
- Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý cụ thể, chi tiết về sàng lọc, phát hiện và cách ly người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 ngay từ khu vực phòng khám đến khu vực cách ly.
- Tất cả NVYT phải được tập huấn về triệu chứng lâm sàng, điều trị, phương thức lây truyền và quy trình cách ly phòng ngừa trong bệnh viện.
- Có đủ phương tiện bảo đảm cách ly nghiêm ngặt. Kiểm tra, đánh giá tính sẵn sàng ngay cả khi chưa có.
- Tổ chức sàng lọc tất cả các khách ra vào bệnh viện, bao gồm cả NB, người nhà NB, khách thăm ngay tại cổng ra vào bệnh viện. Phân loại NB ngay khi đến phòng khám của cơ sở KBCB bằng bảng hỏi sàng lọc, khai báo y tế.
- Chẩn đoán phát hiện sớm người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ban hành theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 của Bộ Y tế. Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ phải được đưa vào khu vực khám sàng lọc, cách ly càng sớm càng tốt.
- Người làm nhiệm vụ phân loại NB phải hướng dẫn cho NB các biện pháp phòng ngừa cách ly ngay khi NB vào BV như VST, mang khẩu trang.
- Nếu NB chỉ có yếu tố dịch tễ mà không có triệu chứng lâm sàng: Liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương để cách ly tập trung.
- Nếu bệnh viện có thu dung NB nhiễm SARS-CoV-2: Khi có nghi ngờ hoặc xác định nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khám sàng lọc: Chuyển ngay về khu vực cách ly COVID-19.
- Nếu bệnh viện không thu dung NB nhiễm SARS-COV-2: Khi có nghi ngờ hoặc xác định nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khám sàng lọc: Chuyển ngay sang phòng cách ly tạm thời chờ chuyển về bệnh viện có thu dung NB nhiễm SARS-CoV-2.
4.3 Các bước thực hiện phân luồng, sàng lọc, cách ly
4.3.1. Trường hợp bệnh viện có từ 2 cổng trở lên
Bước 1. Tại khu vực cổng bệnh viện (Sàng lọc ban đầu)
- Bố trí 1 cổng duy nhất dành cho đón tiếp, phục vụ người có triệu chứng viêm đường hô hấp. Tại cổng dành cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, bố trí biển ghi rõ: “Cổng đón tiếp dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người và có tiếp xúc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2".
- Bên cạnh cổng, bố trí thêm biển bằng đèn màu (ví dụ biển đền LED, biển hộp có đèn chiếu sáng bên trong) để người đi khám bệnh nhìn rõ vào ban đêm, hoặc cần có đèn chiếu sáng vào các biển thông thường.
- Bên ngoài đường cần đặt các biển chỉ dẫn tương tự tại các vị trí dễ nhìn, ví dụ: “Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người", hoặc “Cổng dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người cách 30 mét bên phải, người đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố liên quan đến người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng cần liên hệ đường dây nóng....”.
- Bố trí nơi gửi xe tại phía ngoài cổng hoặc ngay khu vực cổng. Lưu ý tập huấn đầy đủ cho nhân viên bảo vệ, trông xe về hướng dẫn, đón tiếp và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2.
- Tại tất cả các cổng khác bố trí thêm biển bằng đèn màu có ghi rõ: “Người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người đi cổng số 2, người đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố liên quan đến người nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng cần liên hệ đường dây nóng....”.
- Bố trí bàn đăng ký và khai báo y tế tại địa điểm thông thoáng ngay sát cổng bệnh viện hoặc tiền sảnh. Lưu ý: nhắc nhở NB đeo khẩu trang hoặc có khẩu trang cung cấp cho NB nếu NB không có. Tại các bàn bàn đăng ký và khai báo y tế có dung dịch VST có chứa cồn cho người đến khám.
Bước 2. Luồng đi tới buồng khám sàng lọc
- Bố trí luồng đi riêng từ cổng đến buồng khám sàng lọc. Luồng đi riêng được chăng dây bằng vải băng đỏ/vàng (có thể có phản quang), chiều rộng khoảng 0,8m - 1,2m. Dây chăng 2 bên (hoặc chăng 1 bên nếu luồng đi bám theo tường/rào). Có biển hướng dẫn yêu cầu người có triệu chứng chỉ đi trong luồng đã được chăng dây.
Bệnh viện bố trí ít nhất 1 xe chuyên dụng (nếu khoảng cách di chuyển xa), xe lăn riêng để vận chuyển người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Xe chuyên dụng được để vị trí riêng có biển báo, không dùng vận chuyển NB khác và phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng.
Lưu ý: luồng đi bố trí không đi qua các khoa/phòng khác, hạn chế tối đa đi dọc hành lang, cần bố trí buồng khám sàng lọc gần nhất nếu có thể với bàn đăng ký và khai báo y tế.
Bước 3. Buồng khám sàng lọc
- Bố trí buồng khám sàng lọc tại địa điểm riêng biệt, ở vị trí thông thoáng, biệt lập với các khoa/phòng khác (ví dụ dựng ki-ốt nhôm kính tại vị trí biệt lập như góc sân, áp lưng vào khối nhà), bảo đảm cách ly, riêng biệt với các khoa phòng khác.
- Trong phòng chỉ có một bàn khám trong buồng khám, không được khám 2 người cùng một thời điểm trong buồng khám.
- Bàn khám cần được bố trí đầy đủ các dụng cụ khám và các vật tư, thiết bị phục công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong phòng chỉ có một bàn khám trong buồng khám. Bàn khám cần được bố trí đầy đủ các dụng cụ khám và các vật tư, thiết bị phục công tác phòng chống bệnh dịch.
Bước 4. Phân luồng sau sàng lọc
Sau khi người đến khám đã được sàng lọc, nếu xác định chắc chắn không có yếu tố dịch tễ hoặc không có triệu chứng lâm sàng liên quan đến COVID-19 thì hướng dẫn chuyển người đến khám sang khu khám thông thường. Tương tự, tại khu khám thông thường nếu lại phát hiện yếu tố nghi ngờ (yếu tố dịch tễ và/hoặc triệu chứng lâm sàng) cần chuyển ngược lại buồng khám sàng lọc.
Bước 5. Chuyển viện hoặc vào khu cách ly điều trị COVID-19
- Sau khi khám sàng lọc, nếu xác định NB nghi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện chuyển NB sang 1 trong 2 vị trí sau:
- Phòng cách ly tạm thời tại bệnh viện: chuyển NB sang phòng cách ly tạm thời nếu cơ sở không được giao thu dung điều trị COVID-19. Cơ sở liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng/CDC và bệnh viện (gần nhất) được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị COVID-19 để chuyển tuyến đúng, bảo đảm không lây nhiễm trong quá trình chuyển viện.
- Phòng cách ly tạm thời được bố trí gần với buồng khám hô hấp, hạn chế tối đa NB di chuyển nhiều.
- Cơ sở không được tự chuyển viện, cần liên hệ ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn chuyển viện đúng, bảo đảm không lây chéo cho các đối tượng khác.
Khu cách ly điều trị COVID-19:
Bệnh viện được cơ quan quản lý giao nhiệm vụ điều trị COVID-19 bố trí khu cách ly để tiếp nhận NB. Khu cách ly thực hiện theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế nguyên tắc chia làm 3 loại đối tượng NB để bố trí vào các phòng khác nhau:
- Cách ly người nghi nhiễm (có triệu chứng lâm sàng viêm hô hấp, lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả xét nghiệm, đang theo dõi diễn biến bệnh).
- Cách ly người bị bệnh thể nhẹ;
- Cách ly người bị bệnh thể nặng (có bệnh nền kèm theo, triệu chứng lâm sàng viêm hô hấp nặng, cần máy thở...).
Lấy mẫu xét nghiệm (có thể thực hiện tại cơ sở hoặc chuyển sang nơi khác).
Nếu có chỉ định, NB được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm thời. Từng điều kiện thực tế bệnh viện có thể lấy mẫu tại phòng khám hô hấp. Bệnh viện liên hệ với CDC/YTDP để lấy mẫu hoặc tự thực hiện nếu bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm SARS-CoV-2.
4.3.2. Trường hợp bệnh viện chỉ có 1 cổng
Thực hiện theo hướng dẫn tương tự như bệnh viện có 2 cổng, tuy nhiên cần bố trí khác các điểm sau:
- Có biển chỉ dẫn từ cổng bệnh viện tới thẳng bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng.
- Bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng cần bố trí ngay sát cổng bệnh viện, tại sân hoặc sảnh chính theo nguyên tắc càng gần cổng càng tốt. Tuyệt đối không bố trí bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng ở bên trong khối nhà chính và gần các khoa, phòng để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm.
- Phòng khám sàng lọc được bố trí ngay sát bàn/buồng đăng ký và sàng lọc phân luồng (trong phạm vi 10m tính từ cổng).
Lưu ý: Nếu phát hiện NB nhiễm SARS-CoV-2 tại các khoa nội trú thì NB phải được cách ly tạm thời ngay tại phòng cách ly tạm thời tại các khoa.
- Trong thời gian có dịch, cần treo các bảng hướng dẫn ngay khu vực ra vào (Cổng bảo vệ) và phòng khám để hướng dẫn NB, người nhà NB có dấu hiệu sốt, ho đến ngay khu vực khám sàng lọc, tránh để họ đi đến các khu vực khác.
- Cần hướng dẫn NB, người nhà mang khẩu trang y tế, hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác, thực hiện tốt VST, sử dụng các dung dịch vệ sinh, khử khuẩn đường mũi họng.
- Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với SARS-CoV-2 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm SARS-CoV-2.
- Trong trường hợp cần vận chuyển, nhân viên vận chuyển phải sử dụng phương tiện PHCN và xe chuyên dụng. Các vật dụng bị ô nhiễm, phương tiện vận chuyển, đồ thải bỏ và chất thải của NB cần phải thu gom và xử lý theo quy định.
4.3. Thông báo trường hợp bệnh:
- Thông báo trong cơ sở y tế theo đúng quy định và phân cấp: Phòng khám/khoa cấp cứu có người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cần thông báo ngay cho các đối tượng sau:
+ Người bệnh và người nhà NB.
+ Thành viên kíp trực (nếu trong giờ trực) hoặc tất cả thành viên trong khoa (trong giờ hành chính).
+ Lãnh đạo bệnh viện và các phòng ban liên quan (Phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa KSNK, Phòng Điều dưỡng...).
- Thông báo ra ngoài cơ sở y tế: Cần thông báo bằng văn bản khẩn trong tất cả trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cho cơ quan quản lý y tế cấp trên và cho cơ quan y tế dự phòng tương đương theo quy định.
- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Tất cả các trường hợp cấp cứu NB không khai thác được yếu tố nguy cơ đều được coi như là trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và NVYT phải mang đầy đủ phương tiện PHCN như tiếp xúc NB nhiễm SARS-CoV-2
4.4. Tổ chức thu dung và cách ly
- Phân vùng nguy cơ và phân luồng người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS- CoV-2 sẽ di chuyển trong bệnh viện như sau:
+ Vùng nguy cơ cao (màu đỏ) là những khoa chịu trách nhiệm thu dung điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 (ví dụ: khu cách ly; khoa Khám bệnh; khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, bộ phận xét nghiệm...)
+ Vùng nguy cơ trung bình (màu vàng) là những khoa tiếp nhận NB ho sốt (Ví dụ: buồng khám NB ho sốt khoa Khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa Hô hấp, khoa Nhi);
+ Vùng nguy cơ thấp (màu xanh) là những khoa ít có khả năng tiếp nhận khám và điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 (Ví dụ: khoa Ngoại, Sản...).
- Việc phân vùng nguy cơ giúp bệnh viện có cơ sở phân công trách nhiệm, triển khai kế hoạch thu dung, điều trị và tập trung nguồn lực còn có hạn cho công tác phòng ngừa (phương tiện, nhân lực, tập huấn, giám sát) cho những vùng có nguy cơ cao.
- Có phương án phân vùng cách ly, bố trí nhân lực, phương tiện... cho những tình huống dịch lẻ tẻ và tình huống phải tiếp nhận nhiều người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
5. Sàng lọc người bệnh nội trú, người chăm sóc, nhân viên y tế
5.1. Sàng lọc người bệnh nội trú, người chăm sóc người bệnh
- Các khoa ưu tiên cần sàng lọc NB nội trú: Hồi sức tích cực; hô hấp; truyền nhiễm; thận nhân tạo; lão khoa; tâm thần, ung bướu.
- Cần sàng lọc NB nội trú, người nhà chăm sóc NB (người nuôi bệnh) đang nằm viện hàng ngày, người của các cơ sở cung cấp dịch vụ trong bệnh viện.
- Tăng cường giám sát, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với NB nội trú, người nuôi bệnh có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm và thực hiện cách ly kịp thời.
- Tăng cường giám sát NB nội trú, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. khi NB có biểu hiện viêm phổi nặng nghi do vi rút, viêm đường hô hấp cấp tính nặng, hội chứng cúm, kể cả những NB nội trú trên 14 ngày có diễn biến nhanh, nặng không giải thích được về lâm sàng, NB lọc máu.
- Thời điểm lấy mẫu thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ Y tế).
- Trong giai đoạn có dịch trong cộng đồng: Giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng NB khác, trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người nhà hỗ trợ chăm sóc cố định. Thực hiện khai báo y tế, kiểm soát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh của người hỗ trợ chăm sóc. Dừng việc thăm hỏi NB nội trú của người nhà NB.
- Yêu cầu và hướng dẫn NB, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, VST, thực hiện giãn cách ngay khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tại các ổ dịch đã xác định và đang hoạt động thì các ca bệnh nghi ngờ trong ổ dịch đều được coi là ca bệnh lâm sàng và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly, phòng, chống dịch và chế độ thông tin báo cáo.
5.2. Sàng lọc nhân viên y tế
- Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm NVYT.
- Chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở NVYT, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, những người đi từ vùng dịch về hoặc những người có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp để phát hiện sớm, cách ly phù hợp theo quy định.
Bảng kiểm đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của NVYT tham khảo tại Phụ lục 12.
- Lập danh sách và theo dõi tất cả NVYT có phơi nhiễm với SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế (xem thêm phần Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 cho NVYT).
6. Kiểm tra, giám sát
Ban chỉ đạo phòng chống dịch cần xây dựng kế hoạch giám sát việc sàng lọc, phân luồng cách ly. Phân công bộ phận, cá nhân đầu mối thực hiện giám sát và trách nhiệm tham gia của các bộ phận, cá nhân liên quan, xây dựng quy trình, công cụ giám sát. Nội dung giám sát bao gồm phân luồng, sàng lọc, sử dụng phương tiện PHCN, thực hiện các quy trình phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Thực hiện giám sát hằng ngày trong giai đoạn có dịch lây truyền trong cộng đồng:
- Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm chuyên môn trong kiểm tra giám sát thực hiện kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; là đầu mối xây dựng quy trình sàng lọc cách ly.
- Phòng Kế hoạch tổng hợp phối hợp với khoa KSNK giám sát, thống kê, thông báo kịp thời người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và những NVYT có tiếp xúc gần, tổ chức và kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về kiểm soát lây nhiễm.
- Phòng Điều dưỡng phối hợp với khoa KSNK, phòng Kế hoạch tổng hợp và điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng, kỹ thuật y trưởng các khoa cận lâm sàng kiểm tra giám sát thực hiện các quy định về kiểm soát lây nhiễm.
- Các khoa phòng phối hợp báo cáo kết quả giám sát và đề xuất các giải pháp cải thiện các khoảng trống trong công tác sàng lọc, cách ly.
Bảng kiểm dùng trong đánh giá thực hành phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham khảo tại Phụ lục 18).

Xem chi tiết văn bản tại đây =>> link

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục