Quyền tự chủ chiến lược trong ngành bán dẫn – Bài 1: Những lực đẩy

05:30' - 22/10/2024
BNEWS Ngành bán dẫn đã trở thành trung tâm địa kinh tế của chính trị quốc tế. Đáng chú ý nhất, EU và Mỹ đã ban hành các đạo luật trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS), để chống lại sự thay đổi tiềm năng trong cán cân quyền lực toàn cầu, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, các chuỗi cung ứng được đa dạng hóa và chuyển về trong nước để giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc.

Khi hệ sinh thái bán dẫn của Trung Quốc phát triển mang tính chiến lược hơn và các biện pháp nhằm kiềm chế đối thủ của Mỹ trở nên cấp bách hơn, EU phải đặt cược vị thế của mình giữa một đồng minh dân chủ với Mỹ và một đối tác thương mại sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Quan trọng hơn, để duy trì lợi thế công nghệ của mình trong ngành bán dẫn, EU cần giành lại quyền tự chủ chiến lược của mình.

Ngành bán dẫn đã trở thành trung tâm địa kinh tế của chính trị quốc tế. Đáng chú ý nhất, EU và Mỹ đã ban hành các đạo luật trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ tốc độ đổi mới của Trung Quốc.

 
Báo cáo rất được mong đợi của ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về khả năng cạnh tranh của châu Âu đã đề xuất thay đổi triệt để nhằm tăng năng suất, cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu trên trường quốc tế. Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động trong ba lĩnh vực chính là: thu hẹp khoảng cách đổi mới công nghệ của EU với Mỹ và Trung Quốc, hành động chung về phi carbon hóa và khả năng cạnh tranh, và giải quyết các thách thức về an ninh trong khi giảm sự phụ thuộc về mặt chiến lược.

Điểm hội tụ của các lĩnh vực hành động là ngành công nghiệp bán dẫn. Là trọng tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, ngành này nằm ở giao điểm của sự phát triển công nghệ và thương mại quốc tế. Chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị điện tử, máy tính và xe điện, cũng như các nỗ lực đổi mới và phi carbon hóa của châu Âu.

Trong đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu đã bộc lộ những lỗ hổng quan trọng trong chuỗi cung ứng, khiến các nước nhập khẩu phải đánh giá lại tình trạng trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nơi các nhà máy ở Đông Á, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc chiếm 3/4 sản lượng của thế giới. 

Trong đại dịch, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã dẫn đến doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp bị sụt giảm mạnh. Đối với cả các quốc gia cung cấp và tiêu dùng, tình trạng thiếu hụt này cho thấy "tiềm năng mặc cả" đáng kể trong sự gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Do đó, giống như các nguyên liệu thô quan trọng mà Trung Quốc đã phát triển chiến lược độc quyền chặt chẽ, việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch kinh tế địa chính trị nhằm phục vụ cho sức mạnh toàn cầu đang gia tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Để minh họa rõ hơn vai trò của chất bán dẫn trong các vấn đề toàn cầu, có một số điểm phức tạp về mặt chính trị cần giải mã, đó là vai trò của ASML trong ngành công nghiệp bán dẫn và vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất và người tiêu dùng. 

ASML là viết tắt của "Công nghệ in thạch bản vật liệu bán dẫn tiên tiến", cũng là tên của công ty Hà Lan chiếm hơn 80% thị phần máy móc sản xuất chất bán dẫn thế giới. Là nhà cung cấp duy nhất các máy in khắc cực tím (EUV), công ty đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất - cụ thể là chip 3nm và 5nm. Với các hạn chế thương mại do Mỹ thúc đẩy, ASML bị cấm bán các máy quang khắc EUV của mình cho Trung Quốc.

Với vai trò là một trong những khách hàng chủ chốt, Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh thu của ASML, cũng như 53,7% doanh số bán chip toàn cầu. Tỷ lệ này cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với cả chip thô sơ và tiên tiến.

Được thúc đẩy bởi tham vọng về trí tuệ nhân tạo và nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất, chip là mặt hàng không thể thiếu đối với nhu cầu dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù năng lực sản xuất của Trung Quốc bị cản trở do bị hạn chế tiếp cận máy móc EUV của ASML, nhưng tiềm năng tiến bộ của nước này không thể bị đánh giá thấp.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và EU đều đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, với mục tiêu khuyến khích sản xuất trong nước và đa dạng hóa nguồn cung. Ví dụ, Ủy ban châu Âu đã công bố Đạo luật Chip châu Âu, hứa hẹn trợ cấp cho ngành bán dẫn 43 tỷ euro cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, động thái giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng tích hợp - được thể hiện qua Đạo luật Chip và Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của EU - bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất trong khối, nhưng phí tổn tài chính và môi trường vẫn chưa chắc chắn.

Sau cuộc họp vào tháng 1/2023, Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Vì Mỹ có xu hướng tham gia vào cuộc chiến thương mại và công nghệ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, cả hai nước này đều đã đầu tư hàng tỷ USD vào trợ cấp cho sản xuất công nghệ trong nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục