Thị trường bán dẫn toàn cầu: Vai trò then chốt của ASEAN

05:30' - 30/09/2024
BNEWS Sự tăng trưởng của ngành bán dẫn ở ASEAN được thúc đẩy bởi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và sự hậu thuẫn của các ngành bán dẫn lâu đời ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Singapore và Malaysia.
Theo Jakarta Globe ngày 26/9, ngành bán dẫn toàn cầu là nền tảng của công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới trên nhiều lĩnh vực như điện tử tiêu dùng, máy tính, ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi nhu cầu về chất bán dẫn tiếp tục tăng cao, vai trò then chốt của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) trong lĩnh vực này đã được công nhận. Sự tăng trưởng của ngành bán dẫn ở ASEAN, một phần được thúc đẩy bởi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như nhờ sự hậu thuẫn của các ngành bán dẫn lâu đời ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Singapore và Malaysia.

Căng thẳng Mỹ-Trung về thương mại, công nghệ và an ninh đã định vị ASEAN như một giải pháp thay thế cho xu hướng đa dạng hóa nhập khẩu đầu vào và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Về đa dạng hóa thương mại, tổng xuất khẩu hàng hóa từ ASEAN đã tăng 26,1%, từ 1.430 tỷ USD trong năm 2018 lên 1.810 tỷ USD trong năm 2023.

Năm 2023, các hạng mục xuất khẩu hàng đầu của ASEAN tính theo giá trị bao gồm máy móc và thiết bị điện, nhiên liệu và dầu, thiết bị cơ khí. Đáng chú ý, khu vực này chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu chất bán dẫn, tăng 41,6% trong giai đoạn 2018-2023. Sự tăng trưởng này nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trên thị trường bán dẫn toàn cầu. Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của thế giới đạt 1.140 tỷ USD, trong đó ASEAN đóng góp 268,8 tỷ USD, chiếm 23,6% (theo cơ sở dữ liệu ITC ngày 31/7/2024).

* Bài học từ các nền kinh tế đi trước

Để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp bán dẫn ở ASEAN, những câu chuyện thành công của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc - hai trong số những nền kinh tế bán dẫn hàng đầu thế giới - có thể mang lại bài học quý giá để các nước ASEAN học hỏi và áp dụng.

Một trong những yếu tố cơ bản đằng sau thành công của Đài Loan và Hàn Quốc trong ngành bán dẫn là sự chủ động trong việc phát triển không chỉ cơ sở hạ tầng cứng mà còn cả cơ sở hạ tầng mềm.

Tại Đài Loan, nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn đã được xây dựng ngay từ những năm 1980, với việc thành lập Công viên Khoa học Tân Trúc, một trung tâm công nghệ và đổi mới. Sáng kiến này được bổ sung bằng sự đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo môi trường thuận lợi cho các công ty như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Ngày nay, TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần bán dẫn toàn cầu.

Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. “Điều kỳ diệu trên sông Hàn”, thuật ngữ mô tả quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc, một phần được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ cho các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các ưu đãi về thuế và phát triển hạ tầng để hỗ trợ các công ty bán dẫn. Các công ty như Samsung Electronics và SK Hynix được hưởng lợi từ những chính sách này, cho phép họ trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn và chip nhớ.

Đối với ASEAN, bài học rút ra là sự hỗ trợ của chính phủ rất quan trọng. Các quốc gia như Singapore, Malaysia và Việt Nam đã nhận ra điều này, đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng những ưu đãi này tập trung vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới và R&D, với một khuôn khổ rõ ràng nêu ra cách thức để có được những ưu đãi và một chiến lược rút lui xác định.

Cách tiếp cận này sẽ giúp các chính phủ không mắc kẹt trong một chu kỳ cung cấp các ưu đãi vô tận mà không có bất kỳ đầu ra và/hoặc kết quả rõ ràng nào. Ngoài ra, một cách tiếp cận khu vực mang tính phối hợp hơn có thể củng cố hơn nữa vị thế của ASEAN. Sáng kiến này cần được tất cả các nước ASEAN đồng ý và ủng hộ, trong đó Singapore và Malaysia có khả năng dẫn đầu nỗ lực này vì họ có một nền tảng tương đối tiên tiến trong ngành bán dẫn so với các nước cùng ngành.

* Vai trò của hạ tầng mềm

Việc thành lập các trung tâm bán dẫn, giống như Công viên Khoa học Hsinchu của Đài Loan, và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), là những bước cần thiết để các nước ASEAN phát triển lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ cao này.

Bên cạnh nỗ lực đầu tư, một yếu tố quan trọng khác dẫn đến sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan và Hàn Quốc là sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành công nghiệp và giới học thuật. Tại Đài Loan, Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) đóng vai trò then chốt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và công nghiệp.

Những nỗ lực của ITRI trong hoạt động R&D của chất bán dẫn đã cung cấp kiến thức chuyên môn kỹ thuật mà các công ty địa phương cần để đổi mới và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Sự hợp tác này là công cụ thúc đẩy đổi mới liên tục, giúp Đài Loan luôn dẫn đầu về công nghệ bán dẫn. Hàn Quốc đã áp dụng cách tiếp cận tương tự, với việc cả chính phủ và khu vực tư nhân đầu tư mạnh vào các chương trình giáo dục và đào tạo được thiết kế riêng cho ngành bán dẫn.
 
Các trường đại học, trung tâm dạy nghề và tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ với các công ty như Samsung và SK Hynix để đảm bảo nguồn nhân lực ổn định gồm các kỹ sư, nhà nghiên cứu và công nhân lành nghề.
 
Mối quan hệ cộng sinh giữa giới học thuật và ngành công nghiệp này là rất quan trọng để duy trì lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Các nước ASEAN có thể học hỏi từ mô hình này bằng cách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và ngành bán dẫn. Phát triển các chương trình chuyên ngành tập trung vào công nghệ bán dẫn và đảm bảo rằng nghiên cứu học thuật phù hợp với nhu cầu của ngành, có thể giúp ASEAN xây dựng lực lượng lao động có khả năng thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực này.
 
Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực mạnh mẽ cũng rất quan trọng. Ngành công nghiệp bán dẫn rất phức tạp và đòi hỏi một chuỗi cung ứng được thiết lập tốt để hỗ trợ từng giai đoạn sản xuất, từ thu mua nguyên liệu thô đến phân phối thành phẩm.
 
Đài Loan và Hàn Quốc đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng mạnh mẽ, giúp họ duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường bán dẫn toàn cầu. Trong chất bán dẫn, có ba giai đoạn sản xuất chính: R&D, chế tạo tấm bán dẫn và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP). Tại Đài Loan, chuỗi cung ứng chất bán dẫn được tích hợp chặt chẽ, trong đó các công ty như TSMC, ASE Technology và MediaTek đóng vai trò quan trọng ở các giai đoạn khác nhau của quy trình sản xuất.
 
Singapore và Malaysia là những quốc gia đóng góp quan trọng cho ngành bán dẫn toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng nổi lên như một đối thủ đáng chú ý gần đây. Singapore chuyên chế tạo tấm bán dẫn, chiếm khoảng 11% sản lượng toàn cầu (theo cơ sở dữ liệu ITC), trong khi Malaysia tập trung vào ATP, đóng góp khoảng 5,4% vào ATP toàn cầu.
 
Để thúc đẩy chuỗi giá trị khu vực, các nước ASEAN cần đầu tư phát triển năng lực trên toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn, từ chế tạo và thiết kế tấm bán dẫn cho đến R&D. Sự hợp tác giữa các nước ASEAN là rất quan trọng, trong đó mỗi quốc gia chuyên về các khía cạnh khác nhau của chuỗi cung ứng để tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn khu vực tích hợp và linh hoạt hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục