Rà soát để điều chỉnh các luật về đầu tư kinh doanh

15:54' - 22/07/2016
BNEWS Nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực, ngành, nghề đều bày tỏ sự bức xúc về tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành gây nhiều khó khăn đối với sự phát triển doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc về tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Tại Hội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án tăng cường năng lực xây dựng pháp luật (thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực, ngành, nghề đều bày tỏ sự bức xúc về tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh, gây nhiều khó khăn và rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể như việc xây dựng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014; ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Trong bối cảnh hiện nay, cần rà soát lại các luật về đầu tư kinh doanh để tìm kiếm những điểm bất hợp lý và còn chưa tương thích để điều chỉnh, nếu cần thiết thì bãi bỏ, để phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Mạnh dạn nêu ý kiến, bà Đinh Thị Kim Anh, đại diện Ngân hàng SHB cho biết, trong quá trình thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi áp mã ngành kinh tế quá rắc rối.

Theo Luật Doanh nghiệp, không quy định ghi cụ thể ngành kinh doanh. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành luật không cấm. Doanh nghiệp được tự áp mã. Thoạt đầu, tưởng dễ và linh động cho doanh nghiệp, nhưng thực tế lại vô cùng phức tạp.

Việc cho phép doanh nghiệp tự khắc con dấu cũng tưởng rằng là một đổi mới, thông thoáng so với trước.

Nhưng việc chủ động đăng ký trên Cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các địa phương thì phải sau 3 ngày con dấu mới có hiệu lực. Như vậy là không tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.

Một số ngành nghề như chứng khoán, luật sư, giám định lại yêu cầu phải đăng ký con dấu qua công an. Thế là mâu thuẫn với Luật. Không biết cơ sở pháp lý quy định khác biệt như vậy có đúng hay không, bởi ngành bảo hiểm, luật sư đã phải chịu sự quản lý chuyên ngành thì có nhất thiết cần phải bị ràng buộc về con dấu như vậy không. Bà Kim Anh nêu vấn đề.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Kinh tế địa chất Việt Nam nêu vấn đề, Bộ Luật Hình sự chưa triển khai đã dừng để sửa. Các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… mới có hiệu lực từ 1 năm đến 3 năm nay đã phải rà soát để sửa.

Điều đó cho thấy, tính đồng bộ, ổn định và khả thi về pháp luật ở nước ta có nhiều vấn đề. Đây là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản. Tính cát cứ, đặc biệt là tính cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật cần phải được loại bỏ.

Ông Thụ nêu, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản có nhiều chồng chéo. Doanh nghiệp rất khổ, vì các luật khác nhau dẫn tới các quy định về thanh kiểm tra cũng khác nhau. Mỗi năm có tới vài chục cuộc thanh tra, kiểm tra. Tại sao cùng một nội dung giống nhau, cùng một quy định mà 2-3 cơ quan không thể cùng thông qua để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp.

Tương tự, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ thống phí, lệ phí cũng đạt tốc độ thay đổi chóng mặt. Doanh nghiệp không kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng dự án.

Ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho biết, Thông tư 20/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi chở xuống đang gây nhiều bức xúc đối với các doanh nghiệp thành viên hiệp hội.

Ông Nguyễn Đình Quyết thuộc Công ty TNHH Hưng Hà viện dẫn, doanh nghiệp thực sự là “nạn nhân” của Thông tư 20. Việc sửa đổi và điều chỉnh luật đầu tư kinh doanh là rất cần thiết để hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Chứ không trên thực tế chỉ có những “ông lớn” đang tham gia thị trường ô tô.

Theo tổng hợp của VCCI, có khoảng 37 luật về đầu tư kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật chuyên ngành gồm có: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, Các luật về Thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, mục đích rà soát các luật về đầu tư kinh doanh nhằm loại bỏ những vướng mắc, rào cản, đặc biệt là cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ, không thống nhất, chưa liên thông giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.

Qua đó, đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng liên thông, phối hợp và minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.

Theo đề xuất của VCCI nên bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như các dịch vụ: đào tạo đại lý bảo hiểm; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần; mua bán nợ; việc làm; bảo hành bảo dưỡng xe ô tô; sát hạch lái xe; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành nhà chung cư; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng dùng chung; nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện; truyền hình theo yêu cầu; đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu; đào tạo đánh giá dự án đầu tư; chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; mang thai hộ…

Bên cạnh đó là những ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; hoạt động trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh sinh viên; lĩnh vực kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản; xuất khẩu, nhập khẩu động thực vật theo công ước CITES; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước và kể cả hoạt động in, đúc tiền cũng không nằm trong danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, ông Tuấn nêu rõ.

Ở một số luật hiện hành có rất nhiều điều kiện kinh doanh chất lượng kém và cần được loại bỏ hay sửa đổi như: Luật Kế toán; Luật Điện ảnh, Luật Viễn thông, Luật Giá…

Ngay như Luật Thương mại vẫn còn một số quy định lạc hậu; Luật Bảo vệ môi trường thì mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy lại chưa liên thông với Luật Xây dựng…

Hay vấn đề cấp phép đầu tư, lâu nay, hình thức Giấy Chứng nhận đầu tư tương đối cứng nhắc, không linh hoạt trong việc nhà đầu tư thực hiện cam kết về thuế, về môi trường, tạo công ăn việc làm, đổi mới công nghệ…

Do đó, để đảm bảo công bằng và minh bạch, cần nghiên cứu việc thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng hình thức Hợp đồng đầu tư ký giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước. Điều đó cho phép xử lý các vi phạm cam kết đầu tư theo trách nhiệm dân sự, VCCI đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục