Rạn nứt trong thương mại toàn cầu lớn hơn sau hai năm nổ ra xung đột tại Ukraine

15:20' - 23/02/2024
BNEWS Hai năm sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, có những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành hai khối và các quy định về thương mại đa phương trong gần 30 năm đang bị đe dọa.

Những căng thẳng địa chính trị gia tăng, trong đó có căng thẳng tại Trung Đông, những lo ngại về an ninh kinh tế đang dẫn tới các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại...

 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo sự phân mảnh thành hai khối đối lập sẽ làm giảm quy mô kinh tế toàn cầu 5%, với các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tác động lớn nhất.

Trong kịch bản này, Mỹ, Trung Quốc và các nước đồng minh sẽ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại lưỡng cực và các khối tương ứng sẽ đặt ra các quy định riêng, không tuân thủ các thỏa thuận đa phương.

Kịch bản đó vẫn chưa diễn ra, nhưng các nhà kinh tế của WTO đã cảnh báo kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong một báo cáo, các nhà kinh tế cho biết có dấu hiệu ban đầu về xu hướng liên quan chặt chẽ hơn giữa các dòng chảy thương mại và căng thẳng địa chính trị kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Đây là những dấu hiệu đầu tiên về sự phân mảnh trong thương mại toàn cầu.

Các nhà kinh tế nhận thấy thương mại hàng hóa giữa các khối tăng chậm hơn 4% so với thương mại nội khối.

Theo các nhà kinh tế, có những dấu hiệu về "đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện" (friend-shoring) nhưng không có dấu hiệu về "đầu tư về gần" (near-shoring), khi không có sự gia tăng trong thương mại trong các khu vực.

"Đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện" là khái niệm mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và những người khác sử dụng để khuyến khích các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Riêng về Mỹ và Trung Quốc, các nhà kinh tế của WTO cho rằng căng thẳng thương mại nổ ra sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên khoảng 2/3 số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã phức tạp hơn do xung đột tại Ukraine.

Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục vào năm 2022, khi nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc tăng và nhu cầu của Trung Quốc đối với nông sản và năng lượng của Mỹ cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, do thương mại hàng hóa giữa mỗi nước với các đối tác khác, thương mại song phương đã chậm lại.

Báo cáo của WTO cho rằng sự gia tăng căng thẳng thương mại ban đầu và xung đột tại Ukraine đã khiến thương mại song phương tăng chậm hơn 31% kể từ tháng 7/2018.

Căng thẳng thương mại là một phần nguyên nhân đưa đến các ước tính ảm đạm về tăng trưởng thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong năm ngoái.

WTO cho biết sẽ hạ mức ước tính tăng 0,8%, trong khi Ngân hàng Thế giới nhận định mức tăng trưởng 0,2%, thấp nhất trong 50 năm qua, không kể các giai đoạn suy thoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục