Rào cản pháp lý đối với vụ sáp nhập lớn của ngành thời trang

07:30' - 24/09/2024
BNEWS Cách đây hơn một năm, vào tháng 8/2023, công ty cổ phần thời trang đa quốc gia của Mỹ Tapestry Inc. đã đưa ra thỏa thuận mua lại tập đoàn thời trang cao cấp Capri Holdings có trụ sở tại London.
Cách đây hơn một năm, vào tháng 8/2023, công ty cổ phần thời trang đa quốc gia của Mỹ Tapestry Inc. đã đưa ra thỏa thuận mua lại tập đoàn thời trang cao cấp Capri Holdings có trụ sở tại London (Anh) nhằm tạo ra một tập đoàn thời trang hùng mạnh, đưa sáu thương hiệu xa xỉ là Coach, Kate Spade, Stuart Weitzman của Tapestry về chung nhà với Michael Kors, Jimmy Choo và Versace của Capri Holdings.
 

Tuy nhiên, thương vụ trị giá 8,5 tỷ USD này đã gặp phải rào cản về mặt pháp lý khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tuyên bố ngăn chặn thương vụ này cách đây 5 tháng với lý do lo ngại về luật chống độc quyền. Nếu các cơ quan quản lý thành công trong việc ngăn chặn thương vụ này, điều đó có thể gây ra những tác động lớn cho những hãng thời trang trên toàn cầu, đồng thời sẽ ngăn chặn các vụ thâu tóm hàng loạt tương tự như những gì đã xây dựng nên các "gã khổng lồ" thời trang châu Âu bao gồm LVMH và Kering.

Các chuyên gia cho rằng đây là vụ kiện chống độc quyền lớn đầu tiên ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thời trang, một lĩnh vực nổi tiếng với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng và tài sản. Luật sư chống độc quyền George Paul, đối tác của công ty luật White & Case, cho biết: "Bất kỳ khách hàng nào quan tâm đến việc mua một đối thủ cạnh tranh, ngay cả khi có nhiều đối thủ khác trên thị trường, đều sẽ phải chịu rủi ro lớn về mặt pháp lý. Bất kể thị trường sản phẩm là gì, bạn phải chuẩn bị cho việc mình sẽ bị kiện".

Lý do chính mà FTC đưa ra cho vụ kiện này là thỏa thuận sẽ loại bỏ "cạnh tranh trực tiếp" giữa các thương hiệu hàng đầu trong thị trường mà họ định nghĩa là "hàng xa xỉ dễ tiếp cận", ám chỉ những túi xách có giá tương đối phải chăng nhưng chất lượng tốt và thường có giá từ 100-1.000 USD. FTC cho rằng việc hợp nhất này sẽ tạo ra tập đoàn thời trang xa xỉ lớn thứ tư trên thế giới và trở nên đủ lớn để có thể thao túng thị trường. Cơ quan này lập luận rằng việc sáp nhập có nguy cơ đe dọa đến lợi ích của hàng triệu người tiêu dùng Mỹ, cũng như dẫn đến việc giảm lương và các phúc lợi cho hàng chục nghìn nhân viên.

Tuy nhiên, các công ty liên quan phản hồi rằng phân tích của FTC đã đánh giá sai thị trường thời trang và cách người tiêu dùng mua sắm. Họ cho rằng thị trường thời trang của Mỹ rất phân mảnh, có sự cạnh tranh cao, rào cản gia nhập thấp. Vì lẽ đó, kế hoạch sáp nhập của Tapestry Inc. và Capri Holdings sẽ không gây ra những ảnh hưởng như phân tích.

Mặc dù phiên tòa xét xử vụ kiện tại Manhattan vào tháng này này là bước đầu tiên cho các thủ tục pháp lý tiếp theo, quyết định của tòa án được kỳ vọng sẽ mang tính then chốt, bởi vụ sáp nhập cần phải hoàn tất trước tháng 2/2025. Thẩm phán liên bang Jennifer Rochon, người phụ trách vụ kiện, sẽ đưa ra quyết định trong vài tháng tới về việc liệu có đóng băng thỏa thuận hay không.

Kể từ khi bà Lina Khan nắm quyền lãnh đạo FTC vào năm 2021, cơ quan này đã không ngần ngại tìm cách ngăn chặn các thỏa thuận thâu tóm lớn như thương vụ hợp tác giữa Nvidia và nhà thiết kế chip Arm, các công ty bán lẻ khổng lồ Kroger và Albertsons và công ty công nghệ sinh học Illumina và công ty khởi nghiệp sàng lọc ung thư Grail.

Mặc dù Tapestry và Capri là trung tâm của vụ án, nhưng họ không phải là những công ty duy nhất xuất hiện trong phiên tòa. Các thương hiệu thời trang toàn cầu khác bao gồm Prada, Chanel và thương hiệu thể thao Lululemon đã bị "lôi kéo" vào quá trình tố tụng, nhiều thương hiệu trong số đó bị triệu tập để cung cấp tài liệu, lời khai của chuyên gia hoặc cả hai. Các nhà đầu tư phố Wall đánh giá rằng thương vụ này có từ 50% đến 60% khả năng thành công. Thậm chí, nguồn tin nội bộ ẩn danh cho rằng Tapestry Inc. đã sẵn sàng bán đi thương hiệu giày dép Stuart Weitzman, ở cùng phân khúc với Jimmy Choo, để xoa dịu sự lo lắng của Ủy ban FTC và giúp thương vụ mua bán và sáp nhập này dễ dàng được chấp thuận hơn.

Bà Joanne Crevoiserat, CEO của Tapestry, cho rằng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu sẽ vẫn tiếp diễn ngay cả khi chúng thuộc cùng một chủ sở hữu. Vụ kiện cũng làm nổi bật sự thay đổi không ngừng của thị trường thời trang, khi mà ngay cả những khách hàng giàu có cũng đang chuyển sang các lựa chọn giá rẻ phổ biến như túi mini 2,99 USD của Trader Joe hay túi đeo giá 38 USD của Lululemon. Mạng xã hội — nơi các thương hiệu mới nổi có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng- và thị trường mua bán thanh lý cũng đã khiến bối cảnh kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ thay đổi mạnh mẽ.

Mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh, các cơ quan quản lý vẫn cố gắng chứng minh rằng Michael Kors, Kate Spade và Coach cùng nhau thống trị thị trường, chiếm hơn 50% doanh số bán túi xách "xa xỉ dễ tiếp cận" tại Mỹ.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác cách người tiêu dùng mua phụ kiện thời trang sẽ là một rào cản lớn. Một cựu nhân viên thực thi luật chống độc quyền liên bang cho biết: “Rõ ràng là rất khó để xác định mức độ cạnh tranh của các thương hiệu với nhau. Sở thích của người tiêu dùng rất phức tạp và thời trang thì luôn thay đổi”.

Trong trường hợp vụ sáp nhập Tapestry Inc. và Capri Holdings không thành công thì đây sẽ là một tin buồn cho Capri. Kể từ khi Tapestry Inc. ngỏ ý muốn mua lại Capri Holdings, công ty này đã liên tiếp công bố doanh thu thấp hơn ước tính. Chủ yếu là bởi thương hiệu chủ chốt của Capri Holdings là Michael Kors đang gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Trong khi đó, các thương hiệu Coach và Kate Spade của Tapestry Inc. vẫn đang phát triển tốt nên dù không mua lại được Michael Kors, Versace thì công ty này vẫn có nhiều cơ hội khác để mở rộng kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục