Reuters: Sự giảm tốc của kinh tế Eurozone có thể đã chạm đáy

15:24' - 17/01/2020
BNEWS Theo kết quả khảo sát của Reuters, sự giảm tốc trong hoạt động kinh tế của Eurozone có thể đã chạm đáy và nguy cơ suy thoái đã phần nào dịu bớt.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo kết quả khảo sát vừa công bố của hãng tin Reuters, sự giảm tốc trong hoạt động kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể đã chạm đáy và nguy cơ suy thoái đã phần nào dịu bớt, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu  (ECB) khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng với việc mua lượng trái phiếu trị giá 20 tỷ euro/tháng và hạ lãi suất tiền gửi xuống còn -0,5%.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát từ ngày 13-16/1 đã tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone hơn so với vài tháng trước đó, trước những tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Gần 80% số nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cho rằng kinh tế Eurozone đã chạm đáy. Moritz Degler, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Economics, đánh giá tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã chạm đáy song sẽ khó có thể sớm phục hồi và sẽ “đi ngang” ở mức thấp hiện tại.
Cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 100 nhà kinh tế cho thấy, kinh tế Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 1% trong năm nay, thấp hơn mức ước tăng 1,2% trong năm ngoái.

Đây sẽ là mức yếu nhất kể từ đợt suy thoái kinh tế năm 2013. Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone - được dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 0,7% trong năm 2020, tăng từ mức 0,6% năm 2019, mức tăng chậm nhất trong 6 năm.
Lạm phát của Eurozone cũng được dự báo sẽ tăng không đáng kể. ECB sẽ khó đạt được mục tiêu lạm phát ít nhất là đến năm 2022. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Eurozone trong tháng 12/2019 đã ở mức 1,3%, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu ngay sát 2% mà ECB đề ra.
Sau khi không đạt được mục tiêu lạm phát trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ sớm tiến hành đánh giá lại chiến lược về chính sách tiền tệ của họ, lần xem xét đầu tiên sau gần hai thập kỷ.

Đợt đánh giá này có khả năng bao gồm các vấn đề từ mục tiêu lạm phát cho đến vai trò của ECB trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng việc xem xét lại chiến lược của ECB sẽ không dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ của ngân hàng này. Về tỷ lệ lãi suất âm, nhiều nhà kinh tế cho rằng ECB không nên thay đổi chính sách này trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục