Rộn rã thanh âm sắc bùa đầu Xuân ở làng biển Hà Tĩnh

13:09' - 10/02/2024
BNEWS Trải qua bao thăng trầm, câu hát sắc bùa ngày càng được lan tỏa, gìn giữ ở vùng quê ven biển nhờ những con người biết trân trọng giá trị văn hóa của quê hương

Sau thời khắc Giao thừa, các đội hát sắc bùa ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại đến gõ cửa từng nhà mang theo lời ca và những thanh âm rộn rã của chiêng, trống, sinh tiền… chúc cho gia chủ một năm mới may mắn, an khang.

Trải qua bao thăng trầm, câu hát sắc bùa ngày càng được lan tỏa, gìn giữ ở vùng quê ven biển nhờ những con người biết trân trọng giá trị văn hóa của quê hương.

* Hát sắc bùa - nét đẹp chúc Tết đầu Xuân

Xã ven biển Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là xã thuần nông. Người dân có hai nghề chính là trồng lúa và làm muối. Không rõ hát sắc bùa có từ khi nào, chỉ biết mỗi người dân Kỳ Hà từ khi lớn lên đều được nghe những thanh âm rộn rã của câu hát sắc bùa.

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện là người mê say và cực kỳ tâm huyết với những câu hát sắc bùa truyền thống của cha ông.Với chất giọng hào sảng của người miền biển, ông kể về hát sắc bùa với sự háo hức, mê say. Ông cho biết: Hát sắc bùa là một nghệ thuật dân gian phản ánh đời sống hàng ngày của người dân, từ trong lao động sản xuất, họ phổ nhạc và hát mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, mỗi thôn xóm đều có vài ba đội hát sắc bùa, mỗi khi các gia đình trong thôn có dịp vui hay ngày lễ đều mời đội hát sắc bùa đến hát chúc mừng gia chủ.

Một đội hát sắc bùa thường có từ 6 đến 15 người. Người hát chính gọi là “cái kể”, những người còn lại hát phụ họa gọi là “con xô”. Cái kể là người hát trước cầm trịch, các con xô hát phụ họa, mỗi người một câu so le, câu kết cả đội cùng ca vang. Người hát cái là người có chất giọng tốt, tác phong nhanh nhẹn, thành thục các điệu sắc bùa. Theo ông Lê Văn Luyện, đội hát sắc bùa có thể tùy cơ ứng biến, ứng tác lời bài hát phù hợp với gia cảnh người được chúc mừng.

Nhạc cụ của đội là cồng, chiêng, thanh la, thanh tiền, trống cơm và trống con. Trang phục của đội hát thường là quần trắng, áo dài màu đỏ, xanh, vàng, đầu quấn khăn đỏ hoặc khăn đen, thắt lưng dải điều hay hoa lý.

Sau thời khắc Giao thừa đã điểm, đội hát sắc bùa sẽ đi khắp đường làng, ngõ xóm, hát những câu hát mừng Đảng, mừng Xuân. Đội sắc bùa đi đến đâu đều mang không khí hân hoan, rộn ràng đến đó. Đội hát sắc bùa khi xuất quân ban đầu chỉ 6 đến 15 người, nhưng khi tiếng hát, tiếng cồng vang lên, từ người già, người trẻ trong xóm lại cùng nhập hội, làm cho không khí của ngày đầu năm mới thêm tưng bừng, vui vẻ.

Với người dân Kỳ Hà, khi đội hát sắc bùa đến “xông đất” sẽ mang may mắn, tài lộc cả năm đến cho gia chủ. Gia đình nào cũng mong ngóng đội sắc bùa đến “xông đất”, vì vậy mà một đội hát thường ra quân từ sau giao thừa và đến hát chúc tụng từng nhà cho đến sáng.
 
* Gìn giữ câu hát sắc bùa

Theo thời gian, hát sắc bùa ở xã Kỳ Hà cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm, từng có lúc tưởng chừng như mai một. Tuy nhiên, mạch nguồn văn hóa quê hương đã thấm sâu vào từng hơi thở của người dân nơi đây nên những câu hát sắc bùa khi không được hoạt động bài bản, vẫn được người dân gìn giữ, trao truyền.

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện cho biết, trước đây, các đội hát sắc bùa thường tự phát, tổ chức thành các đội nhóm nhỏ. Đến năm 2020, người dân có nguyện vọng khôi phục lại nghệ thuật hát sắc bùa truyền thống của quê hương, xã đã thành lập Câu lạc bộ hát sắc bùa thôn Nam Hà. Đến nay, câu lạc bộ có 20 thành viên, đều là nông dân, diêm dân. Thời gian tới, theo nguyện vọng của lớp trẻ, thôn Nam Hà sẽ thành lập thêm câu lạc bộ hát sắc bùa của giới trẻ để các em, các cháu tiếp tục gìn giữ nghệ thuật truyền thống quê hương.

Ông Dương Văn Bình, 68 tuổi, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát sắc bùa thôn Nam Hà chia sẻ: Nối gót cha ông, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ những điệu hát sắc bùa để thế hệ con cháu mai sau biết được truyền thống, phong tục văn hóa tốt đẹp của quê hương. Sự ra đời của câu lạc bộ sắc bùa rất được bà con trong thôn ủng hộ, cả về tinh thần lẫn vật chất, nhờ đó, câu lạc bộ có kinh phí để mua sắm các đạo cụ như trống, chiêng, cồng, thanh la và trang phục để biểu diễn.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, đội hát sắc bùa hoạt động, xã Kỳ Hà cũng tạo “đất diễn” cho câu lạc bộ hát sắc bùa thể hiện tại các sân khấu mừng Đảng, mừng Xuân, các hội thi lớn của thị xã Kỳ Anh. Tại Hội thi Tiếng hát người cao tuổi thị xã Kỳ Anh, tiết mục dự thi của Câu lạc bộ hát sắc bùa thôn Nam Hà đã đoạt giải Nhất. Đây cũng là động lực lớn để các thành viên trong Câu lạc bộ cống hiến và theo đuổi đam mê giữ gìn nghệ thuật truyền thống quê hương.

Chị Hồ Thị Minh Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Kỳ Anh cho biết: Ngành Văn hóa và chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa hát sắc bùa. Bên cạnh câu lạc bộ hát sắc bùa ở xã Kỳ Hà,các địa phương khác cũng duy trì được các đội nhóm hát sắc bùa thường xuyên hoạt động. Hát sắc bùa được giới thiệu tại các kỳ liên hoan,hội diễn văn nghệ, phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương với các làn điệu mới tuyên truyền công cuộc xây dựng, đổi mới của quê hương, đất nước.

Một mùa Xuân nữa lại về, khi những thanh âm rộn rã của cồng, chiêng, thanh la… vang lên, những người nông dân ở làng quê ven biển thị xã Kỳ Anh lại gác hết vất vả, lo toan, cùng hòa vào câu hát, lời ca sắc bùa, mong một năm mới bình an, thuận buồm xuôi gió.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục