Rủi ro sức khỏe, môi trường do hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa

21:10' - 09/04/2024
BNEWS Cán bộ địa chính xã Sông Ray cho biết, 2 năm qua, nhiều nông dân ở xã Sông Ray đã áp dụng mô hình dùng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Ngày 9/4, tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, Trường đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Sông Ray tổ chức lớp tập huấn cho đông đảo nông dân trồng lúa về rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường từ hoạt động đốt rơm rạ sau vụ mùa. Đây là lớp tập huấn đầu tiên do Trường đại học Nguyễn Tất Thành Thành tổ chức tại vùng Đông Nam bộ.

Hoạt động nêu trên thuộc Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên Minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) cùng sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương Quốc Anh (DEFRA).

Tại buổi tập huấn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng thường trực Viện Khoa học Xã hội liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định, việc đốt rơm rạ sau vụ mùa phát sinh khói, bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ô nhiễm không khí. Khi đốt rơm rạ sinh vật trong đất sẽ bị chết, về lâu dài đất sẽ bạc màu, cằn cỗi. Thời gia qua, nhiều người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, điều này gây ra các hệ lụy về sức khỏe, môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thay vì đốt rơm rạ, sau vụ mùa nông dân nên dùng chế phẩm vi sinh để rơm rạ tự phân hủy. Điều này không chỉ làm tăng sản lượng lúa vụ mùa mà còn giảm tác hại môi trường.

Ông Nguyễn Đức Đan, cán bộ địa chính xã Sông Ray cho biết, 2 năm qua, nhiều nông dân ở xã Sông Ray đã áp dụng mô hình dùng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Từ khi dùng chế phẩm vi sinh tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa đã giảm, đồng thời hạn chế được lúa ma (lúa cỏ hoặc lúa dại), tăng năng suất vụ mùa.

Sau buổi tập huấn, nhiều hộ dân đã đăng ký áp dụng mô hình dùng chế sinh vi sinh để xử lý rơm rạ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục