Đồng Nai thu hút vốn FDI thuộc Top 10 của cả nước

15:15' - 03/04/2024
BNEWS Theo Cục Thống kê Đồng Nai, quý I/2024, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 571 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2023.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng của kinh tế Đồng Nai quý I/2024, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn, tăng trưởng chậm.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, quý I/2024, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 571 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2023.

Trong số đó, có 24 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 291,4 triệu USD, tăng gấp 5,5 lần so cùng kỳ 2024; có 24 dự án tăng vốn, với tổng vốn bổ sung 279,9 triệu USD, giảm 37,9% so cùng kỳ.

Cục Thống kê Đồng Nai, cho biết nguồn vốn đầu tư FDI trong quý I/2024 chủ yếu tập trung các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp phép mới. Đối với các dự án mở rộng quy mô sản xuất, có một số dự án điển hình như Công ty SMC Manufacturing đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất với số vốn khoảng 570 tỷ đồng; Công ty TKG Taekwang Vina đầu tư mở rộng nhà xưởng với số vốn 106 tỷ đồng; Công ty Formosa Taffeta đầu tư xây dựng nhà xưởng số vốn 163 tỷ đồng; Công ty Pou Chen thực hiện 112 tỷ đồng; Công ty sản xuất toàn cầu Lixil thực hiện 86 tỷ đồng; Công ty Ajinomoto thực hiện 95 tỷ đồng; Công ty Huatex thực hiện 86 tỷ đồng; Công ty Kim Bảo Sơn thực hiện 70 tỷ đồng; Công ty Dona Pacific thực hiện 62 tỷ đồng.

Với số vốn trên, Đồng Nai đã lọt vào Top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước trong quý I/2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Năm 2023, Đồng Nai thu hút được 1,2 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm trước. Trong số đó, có 81 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký trên 467 triệu USD; 94 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung trên 761 triệu USD.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có gần 1.600 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 34 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 trên địa bàn tăng 5,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp so cùng kỳ là do doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về đơn hàng.Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới, tuy nhiên số lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều.

Ngoài ra, tình hình chính trị, lạm phát trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, dẫn đến chỉ số sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tăng không cao so cùng kỳ, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, giày da, hóa chất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục