Rút bảo hiểm xã hội một lần - Bài 2: Bài toán chính sách

11:36' - 22/03/2023
BNEWS Lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động không được cộng nối thời gian đã đóng, nếu sau đó tham gia tiếp.

Không ít trường hợp từng rút bảo hiểm xã hội một lần muốn trả lại số tiền đã nhận, chấp nhận trả lãi để được trở lại hệ thống an sinh. Song điều này là không thể.

 

Năm 2022, báo chí liên tục đưa tin về tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, có những thời điểm các đơn vị Bảo hiểm xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh bị quá tải.

Trong năm qua, cả nước có gần 900 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần. Con số này có giảm chút ít so với năm 2021, nhưng vẫn còn khá cao nếu so với mức trung bình của giai đoạn 2016-2021, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần.

Điều này được cho là có nguyên nhân từ sự tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ hậu đại dịch, đơn hàng giảm sút, nhiều lao động rơi vào cảnh thiếu/mất việc làm. Họ cần có khoản tiền để trang trải cuộc sống trước mắt.

Tháng 12/2022, số người làm hồ sơ thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn so với năm 2021, tập trung đông ở các quận, huyện vùng ven có nhiều lao động ngoại tỉnh như thành phố Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12... Lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng, chiếm tới hơn 50% tổng số hồ sơ, khiến cho việc giải quyết không kịp, nhiều người dân đã phải chờ đợi cả ngày.

Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức cho biết, số hồ sơ tăng là do lượng lao động nghỉ việc sau dịch COVID-19 tăng. Sau sáp nhập đơn vị hành chính từ 3 quận, huyện cũ, lượng hồ sơ dồn về thành phố này, trong khi đã có quy định mới là có thể nộp hồ sơ ở bất cứ địa phương nào cũng được giải quyết, nhưng nhiều người dân chưa hiểu rõ vẫn tập trung về đây.

Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rút bảo hiểm xã hội một lần thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thí điểm đặt lịch hẹn trực tuyến để giải quyết hồ sơ theo giờ, hạn chế chờ đợi; mặt khác, Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức cũng bố trí các bàn tư vấn để người dân nhận rõ những hệ lụy khi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Thực tế, một số người hiện chưa nắm được sự khác nhau về quyền lợi giữa rút một lần hay hưởng chế độ lương hưu. Vì vậy, sau khi được tư vấn, nhiều người đã thay đổi ý định, chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lâu dài.

Chính sách bảo hiểm xã hội là để trả lương hưu cho người lao động lúc về già. Với việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhiều người đã tự tước đi quyền được bảo đảm an sinh của mình và làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chính sách này. Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ rất thiệt thòi.

Nhìn từ khía cạnh chính sách, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng thì người lao động sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.

Trên thế giới, các quốc gia không cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động, nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Các nước như Brunei, Malaysia, Singapore và Ấn Độ cho phép rút sớm một khoản tiền hạn chế ở trong các Quỹ Phòng xa, Quỹ Hưu trí bổ sung hoặc Quỹ Hưu trí theo ngành nghề để phục vụ mục đính mua nhà ở hoặc chi tiêu cho giáo dục, y tế, chẳng hạn Brunei và Malaysia cho rút khoảng 20%-25% các tài khoản đóng góp cá nhân để mua nhà.

Còn lại, các khoản lương hưu sớm chỉ cho phép trả một lần sau 50 tuổi hoặc 55 tuổi, như Ấn Độ cho phép rút 90% tổng đóng góp ở tuổi 54 (4 năm trước độ tuổi nghỉ hưu); Singapore cho phép rút 5.000 đôla Sing ở độ tuổi 55 (5 năm trước khi nghỉ hưu); Anh cho phép rút 100% ở độ tuổi 55.

Một số nước cũng đang điều chỉnh thu hẹp các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho người lao động, phù hợp với xu hướng già hóa dân số.

Tuy nhiên, ở nước ta, những quy định về bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua khá thông thoáng và thuận lợi, nên số người thụ hưởng chính sách liên tục tăng cao, đặt ra thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, không đảm bảo an ninh thu nhập cho người lao động khi hết tuổi lao động và không đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Ông Nam phân tích, quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài, đến 20 năm đóng. Điều này dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng góp sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong khi đó, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng, mức hưởng khá hấp dẫn so với mức đóng góp của người lao động.

Với mức đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng từ 1,5-2 tháng lương cho mỗi năm đóng được xem là rất có lợi. Từ đó, khiến người lao động muốn được nhận bảo hiểm xã hội một lần thay vì bảo lưu chờ đóng tiếp để hưởng hưu trí.

Một con số đáng chú ý là trong số 13,4 triệu người già có gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh và phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập. Trong khi đó, nhiều người đang trong độ tuổi lao động lại đi rút bảo hiểm xã hội một lần, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, bảo hiểm y tế. Do vậy, cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này, giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh.

Theo ông Nam, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó mới nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.

Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở người lao động; hỗ trợ người lao động mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới, có nguồn thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt trong thời gian mất việc.

"Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động ổn định cuộc sống, không tìm đến bảo hiểm xã hội một lần", ông Nam nói./.

Xem thêm:

>>Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi bất cập hại

>>Bài cuối: Cần giải pháp tổng thể về việc làm và thu nhập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục