S&P Global: Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam chưa phục hồi như kỳ vọng

14:21' - 01/11/2023
BNEWS Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vừa công bố cho thấy, chỉ số này tiếp tục vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ và không đủ để khuyến khích các công ty tăng sản lượng. Thay vào đó, các nhà sản xuất đã dùng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng nhu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các điều kiện kinh doanh tổng thể trong ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm nhẹ trong tháng 10/2023.

Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của Standard & Poor’s Global (S&P Global) - nhà cung cấp chỉ số và nguồn dữ liệu về xếp hạng tín dụng độc lập quốc tế vừa công bố cho thấy, chỉ số này tiếp tục vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023, khi giảm về mức 49,6 điểm so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp.

 
Theo S&P Global, trọng tâm của lần giảm các điều kiện kinh doanh lần này là sản lượng tiếp tục giảm và đây là lần giảm thứ hai trong hai tháng. Lần giảm này chỉ là giảm nhẹ khi một số công ty đã tăng sản lượng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, tuy nhiên các công ty đã có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không cần tăng sản lượng.

Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp khi có các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ là nhẹ và là mức yếu nhất trong thời kỳ tăng hiện nay. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng chậm lại trong tháng 10, nhưng vẫn ở mức đáng kể hơn so với tổng số đơn đặt hàng mới.

Số lượng việc làm hầu như không thay đổi vào tháng 10, từ đó kết thúc thời kỳ giảm số việc làm kéo dài 7 tháng qua. Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng số lượng việc làm để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng và cho biết vẫn còn tâm lý lạc quan về triển vọng sản lượng trong năm tới.

Sự ổn định của việc làm và năng lực sản xuất không được sử dụng hết đã cho phép các nhà sản xuất giảm đáng kể lượng công việc tồn đọng trong tháng 10. Hơn nữa, tốc độ giảm là mạnh nhất kể từ tháng 6/2021.

Khảo sát của S&P Global kỳ này cũng phản ánh áp lực lạm phát tiếp tục tăng trong tháng 10, khi cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng nhanh hơn. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát đã đạt mức cao của 8 tháng.

Ảnh hưởng của việc tăng giá dầu được cho là đã làm tăng chi phí đầu vào, khi nhiên liệu và nhựa nằm trong số những mặt hàng có giá cả chịu ảnh hưởng của việc tăng chi phí dầu. Trong khi đó, sự giảm giá của tiền VND so với USD cũng tạo thêm áp lực tăng chi phí. Để bù đắp, các công ty đã tăng mạnh giá bán hàng.

Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng, đây là lần tăng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh các công ty nỗ lực tăng dự trữ hàng hóa đầu vào để đáp ứng nhu cầu sản xuất được dự kiến tăng. Tuy nhiên, những nỗ lực này thường không có kết quả khi tồn kho hàng mua tiếp tục giảm.

Mặt khác, tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi các nhà sản xuất đã sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Lần tăng thứ hai liên tiếp của hàng tồn kho sau sản xuất là nhẹ, nhưng là đáng kể nhất kể từ tháng 1/2023.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu chỉ số PMI trong tháng 10/2023 đã vẽ một bức tranh tương tự như thời điểm cuối quý III. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ và không đủ để khuyến khích các công ty tăng sản lượng. Thay vào đó, các nhà sản xuất đã dùng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng nhu cầu.

“Có một số tin tức tích cực hơn về việc làm khi thời kỳ giảm việc làm kéo dài 7 tháng đã kết thúc. Điều này, cùng với hoạt động mua hàng tăng và tâm lý lạc quan, cho thấy các công ty đang tin tưởng hơn rằng sự cải thiện nhu cầu mới đây sẽ được duy trì trong những tháng tới”, vị chuyên gia bình luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục