Luật Đất đai năm 2024 - nhiều đột phá *Bài 1: “Khơi thông” nguồn lực đất đai

13:38' - 28/04/2024
BNEWS Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) hay gọi là Luật Đất đai năm 2024.

Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở Luật là ngày 1/1/2025).

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết: Luật Đất đai năm 2024 - nhiều đột phá

Luật Đất đai năm 2024 - nhiều đột phá: *Bài 1: "Khơi thông" nguồn lực đất đai

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Luật Đất đai phải qua 4 kỳ họp Quốc hội, trước đó có 6 kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 hội nghị của đại biểu chuyên trách và lấy ý kiến của hơn 12 triệu nhân dân trong và ngoài nước. Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai với nhiều điểm mới tiến bộ.

* Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Luật Đất đai năm 2024 đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.

 

Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.

Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và được cụ thể hóa như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận, giá đất…

Về tài chính giá đất, Luật có chính sách ổn định tiền thuê đất hằng năm, áp dụng cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.

Về phương pháp định giá đất, Luật quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất. Trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất.

Đặc biệt, Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 điều, từ Điều 112 đến Điều 115) là chương mới hoàn toàn so với Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định, việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chương này đã quy định cụ thể nguồn hình thành quỹ đất. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất này. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn đất, chiếm đất...

 

* Triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Do yêu cầu cấp thiết, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với trước đó, là ngày 1/1/2025). Việc rút ngắn một nửa thời gian góp phần đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và những sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những tác dụng tích cực cho doanh nghiệp, người dân.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành đang gấp rút chuẩn bị các nghị định và dự kiến là hoàn thành các dự thảo Nghị định trước kỳ họp Quốc hội sắp tới để Quốc hội có thể thảo luận về việc đẩy nhanh tổ chức triển khai Luật Đất đai trong thời gian tới.

Trong đó, các văn bản pháp luật do mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm xây dựng phải thể hiện được mối quan hệ gắn bó hữu cơ, thực hiện mục tiêu xuyên suốt đặt ra trong Luật Đất đai năm 2024 và đồng bộ, thống nhất với luật khác có liên quan.

Trong thời gian chờ Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, ngày 5/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất nhằm kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về giá đất đang tồn tại ở các địa phương.

Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg, đồng thời xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan đến đất đai để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ.

Kế hoạch đặt ra 6 nội dung gồm: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Đất đai; xây dựng các Đề án; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tuyên truyền tập trung những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024...

Nhằm đảm bảo hệ thống pháp lý chặt chẽ trong quản lý, sử dụng đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, đăng tải lấy ý kiến công khai tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng thời gửi lấy ý kiến của các địa phương, bộ, ngành.

Hiện nay, các địa phương mong chờ Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế.

Luật Đất đai năm 2024 - nhiều đột phá *Bài 2: Tháo gỡ vướng mắc tại địa phương

Luật Đất đai năm 2024 - nhiều đột phá *Bài 3: Đảm bảo minh bạch đáp ứng thực tiễn

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục