Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ​

16:26' - 20/07/2023
BNEWS Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Do vậy, Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, nhất là về đổi mới, sáng tạo và tạo ra hệ sinh thái của các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế.

 

Với tiềm năng thế mạnh vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP, thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước.

Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Mới đây (ngày 17/7), thành phố Hà Nội lại có thêm 2 sản phẩm được cấp chứng nhận 5 sao là bộ sản phẩm Gốm men Suối Ngọc của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm) và sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức).

Trước đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”.

Đối với sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao. Đồng thời, đề nghị chủ thể sản phẩm OCOP 5 sao là bà Phan Thị Thuận chia sẻ bí quyết để nhân rộng kỹ thuật sản xuất cho người dân các địa phương khác của cả nước.

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, sản phẩm ra đời là kết tinh của nhiều tâm huyết, mày mò thử nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở “quê hương dâu tằm” Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nong tằm, cái kén. Đầu những năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ.

Nghĩ là làm, nhưng bà cũng gặp nhiều khó khăn vì tằm nhả tơ một cách tự nhiên theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt tằm, kiên trì sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Vì buộc phải nhả tơ khi đến kỳ, nên tằm đã nhả tơ theo vị trí được định trước.

Vậy là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng, rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Khi tằm hết chu kỳ nhả tơ cũng là lúc tấm chăn hoàn thành...

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, các sản phẩm đạt OCOP 5 sao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng kể từ ngày công nhận.

Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường các nước như Australia, Châu Âu, Nhật Bản... Đó là các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc - là sản phẩm duy nhất năm 2022 được đánh giá tiềm năng 5 sao cho biết, tham gia Chương trình OCOP mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như: các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động truyền thông và sự kiện, giúp công ty tăng cường nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được chương trình OCOP cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chất lượng, và quy trình quản lý, giúp công ty nâng cao hiệu suất sản xuất và đáp ứng yêu cầu chất lượng. Đồng thời, mở ra cơ hội kinh doanh nhiều hơn cho doanh nghiệp. Đó là sản phẩm OCOP có thể được quảng bá và tiếp cận với các kênh phân phối chính thống và điểm bán lẻ uy tín, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường và tăng doanh số bán hàng...

Để phát huy tiềm năng thế mạnh của sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Hà Nội cần tập trung vào củng cố và nâng cấp chất lượng của các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời có kế hoạch cụ thể để xác định và hỗ trợ các sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao, từ 3 sao lên 4 sao, trong đó tập trung vào các hạn chế của từng sản phẩm trong quá trình đánh giá, xem xét và công nhận.

Đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao Hà Nội cần hỗ trợ để chuẩn hoá về quy trình và chất lượng để đảm bảo sự ổn định về chất lượng, các sản phẩm OCOP 4 sao trở lên cần hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng ổn định, đảm bảo các sản phẩm OCOP không chỉ giữ vững mà còn được tăng cường chất lượng trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Đối với nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược phẩm cần hướng tới sản phẩm sinh thái, xanh và thân thiện môi trường (có sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ), tăng cường hàm lượng chế biến và chế biến sâu; hướng tới sản xuất ít nhưng chất lượng, nguyên liệu tốt và giá trị cao. Đồng thời, cải thiện và nâng cao mẫu mã, bao bì gắn với kể câu chuyện sản phẩm và tạo ra sự khác biệt, xây dựng thương hiệu riêng cho từng chủ thể, từng sản phẩm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục