Sản vật Việt: Làm gì để có thương hiệu lớn?

06:37' - 04/08/2016
BNEWS Sản vật Việt Nam thì nhiều nhưng con đường để đến với 4 chữ “Thương hiệu quốc gia” còn lắm gian nan đã khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trên trường quốc tế.
Chăm sóc cây cam Cao Phong, một sản vật của tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh-TTXVN

Nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong Hòa Bình, hồng không hạt Bắc Kạn, gạo nàng thơm Chợ Đào, gạo tám Hải Hậu… là những mặt hàng trong vô vàn đặc sản địa phương mỗi khi nhắc tới một địa danh nào đó.

Đáng tự hào hơn, mới đây lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đã vượt ra khỏi biên giới và du lịch sang trời Tây.

Tuy nhiên, sản vật thì nhiều nhưng con đường để đến với 4 chữ “Thương hiệu quốc gia” còn lắm gian nan đã khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trên trường quốc tế.

Còn nhiều bất cập

Thương hiệu quốc gia chính là hình ảnh quốc gia đó phản chiếu ra bên ngoài với bạn bè các nước.

Tuy nhiên, con đường để thực hiện mục tiêu đó rất dài và khó khăn bởi đa số các sản phẩm nông sản sản xuất quy mô lớn của Việt Nam đều hướng đến thị trường xuất khẩu nhưng rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu của Việt Nam.

Bởi sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu riêng.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước.

Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) một trong những khó khăn trong việc bảo hộ ở Việt Nam hiện nay là tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau.

Ông Đỗ Kim Lang cũng thừa nhận, việc không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí.

Ngoài ra, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị bỏ ngỏ.

Chỉ ra những vướng mắc khi triển khai thực tế, ông Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhấn mạnh:

Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho nạn nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi.

Cũng đã có những bài học về các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài.

Sự việc “Cà phê Buôn Ma Thuột” bị đăng ký và dùng tại thị trường Trung Quốc vào năm 2011 là một ví dụ.

Sau sự việc đó, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và Trung ương đã rất vất vả để đưa chỉ dẫn địa lý này về đúng “chỗ” của nó.

Cũng theo ông Đào Đức Huấn, việc kiểm soát thương hiệu trong nước không bắt buộc kết nối với kiểm soát thương hiệu khi ra nước ngoài nên có 7/8 chỉ dẫn địa lý sản phẩm hiện có không có kết nối hai chiều.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của người dân, doanh nghiệp hiện còn hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ và hoạt động thương mại theo phương thức truyền thống nên chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác.

Do đó, chỉ dẫn địa lý hiện chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến trên thị trường kể cả trong và ngoài nước.

Là địa phương nhiều năm vẫn đau đáu việc xây dựng thương hiệu cho quả nhãn lồng Hưng Yên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, kể từ khi nhãn lồng Hưng Yên được khẳng định thương hiệu riêng, giá trị sản phẩm được tăng lên, thu nhập của người dân trồng nhãn ngày càng cải thiện.

Nhưng việc phát triển thương hiệu vẫn còn hạn chế như thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít. Hiện tượng mạo danh Nhãn lồng Hưng Yên thường xuyên xảy ra.

Cùng với đó là chưa gắn kết được sản xuất tiêu thụ, cũng như chưa xây dựng được hệ thống phân phối ổn định.

Hoàn thiện khung pháp lý

Hiện có tới 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia và Việt Nam đương nhiên cũng không nằm ngoài quy luật.

Theo ông Nguyễn Quốc Tịnh, chuyên gia tư vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, mặc dù đã có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng gần như không hề có thương hiệu để khẳng định tên tuổi của doanh nghiệp hay vùng miền nào đó của Việt Nam.

Hầu hết các sản phẩm đều ghi rất chung chung là Product of Vietnam - sản phẩm của Việt Nam.

Thu hoạch vải thiều tại hộ nông dân Nguyễn Văn Quân, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngan (Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Vì vậy, để tạo dựng hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, trước tiên phải biết đoàn kết. Đây phải được coi như điều kiện tiên quyết mới có thể có những sản phẩm thương hiệu lớn như Pepsi, Adidas…

Cùng với đó, phải kết hợp giữa xây dựng thương hiệu với các điểm đến du lịch và gắn kết sản phẩm với những điểm đến đó.

Những điểm đến du lịch sẽ góp phần gia tăng độ nhận biết thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước con người của một quốc gia. Đây là cơ hội khai thác đa dạng tài nguyên, nguồn lực với giá trị gia tăng cao.

Còn theo ông Đào Đức Huấn, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý bằng cách xây dựng ở cấp độ quốc gia, xây dựng hình ảnh chỉ dẫn địa lý trên thị trường, tổ chức mô hình phù hợp, không áp đặt.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm cơ sở, kết nối với các hỗ trợ quản lý chất lượng, xây dựng điểm nhấn thay vì phát triển đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, tới đây, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về xây dựng, quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.

Riêng mặt hàng nông sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp doanh nghiệp xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc thiết kế mẫu mã bao bì quảng bá hình ảnh sản phẩm và giúp các địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các doanh nghiệp đạt "Thương hiệu quốc gia Việt Nam" có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, khi điều kiện đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, thì việc chủ động tham gia tích cực và quyết tâm của các doanh nghiệp là điều kiện quan trọng, để chương trình thương hiệu quốc gia mang lại hiệu quả tích cực nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục