Sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

13:59' - 02/04/2017
BNEWS Tại Việt Nam, quy mô sản xuất cà phê còn nhỏ lẻ nên các nông hộ khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh và chuyển đổi giống mới.
Nông dân thu hoạch cà phê tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo về Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), trên lĩnh vực sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận, bàn bạc tìm ra những nguyên nhân chính về sự thiếu bền vững trong quá trình phát triển cây cà phê của cả nước cũng như xây dựng các giải pháp mang tính căn cơ nhằm thích ứng trước sự biến đổi của khí hậu đang ngày càng diễn ra gay gắt.

Tại Việt Nam, quy mô sản xuất cà phê còn nhỏ lẻ nên các nông hộ khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh và chuyển đổi giống mới. Ngoài ra cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến độ phì của đất, gây ô nhiễm môi trường và thiếu hụt nguồn nước.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai hạn hán đã làm cho cây cà phê bị thiệt hại khá lớn. Mùa khô năm 2016, trên 116.000 ha cà phê ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng của thiên tai, trong đó có gần 7.000 ha bị mất trắng.

Với mục tiêu xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững có tính cạnh tranh cao, các sản phẩm đa dạng có chất lượng mang lại giá trị gia tăng cao, các đại biểu cũng đã kiến nghị một số giải pháp quan trọng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống cà phê chín muộn để tránh rũi ro do mùa mưa chấm dứt muộn.

Bên cạnh đó cần đưa những giống có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu như khô hạn - mưa trái mùa. Tại các tỉnh vùng Tây Nguyên cần đẩy mạnh ghép tái canh, cải tạo bằng giống mới có độ đồng đều cao cho 120.000 ha.

Một số giải pháp khác cũng đã được các đại biểu đề xuất như mở rộng diện tích tưới nước tiết kiệm, tăng cường trồng cây che bóng mát, cây chắn gió; trồng xen các loại cây ăn quả, cây công nghiệp phù hợp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, nâng cao trình độ sơ chế cà phê tại nông hộ...

Ô ng Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách và sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, ổn định đời sống cho người nông dân.

Các địa phương và các ngành chức năng có trồng và phát triển cây cà phê cần đưa đưa ra các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo vườn cây phát triển bền vững và đạt được mục tiêu xây dựng của ngành cà phê Việt Nam.

Trong những năm qua, cà phê Việt Nam phát triển không ngừng về diện tích, năng suất và sản lượng. Đến năm 2016 cả nước có 105 huyện thuộc 22 tỉnh của 5 vùng sinh thái trồng cà phê có tổng diện tích đạt trê 640.000 ha, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với tổng kim ngạch đạt trên 3,36 tỷ USD. Trong đó, Tây Nguyên là vùng trọng điểm gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích khoảng 540.000 ha chiếm khoảng 84% diện tích cà phê của cả nước.

Năng suất cà phê Việt Nam đạt khoảng 24 tạ/ha , thuộc mức cao của thế giới . Đ ây cũng là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng cà phê Việt Nam trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục