Sáng 8/8 giá dầu châu Á đi xuống bất chấp vụ cháy kho dầu tại Cuba

10:44' - 08/08/2022
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch sáng 8/8, neo sát mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch sáng 8/8, neo sát mức thấp nhất trong nhiều tháng qua do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng tiêu thụ năng lượng. Thêm vào đó, các dữ liệu mới đây cho thấy sự phục hồi chậm trong hoạt động nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vào tháng trước cũng gây áp lực giảm đối với giá dầu.


Mở cửa phiên giao dịch sáng 8/8, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 67 xu Mỹ (0,8%), xuống 88,34 USD/thùng, nối dài đà giảm 9,7% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng để mất 74 xu Mỹ (0,8%) còn 94,18 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu thô thế giới không bị ảnh hưởng đáng kể bởi vụ cháy kho dầu lớn nhất tại Cuba hôm 5/8 vừa qua, khi một bể chứa dầu thô dung tích 50.000 m3 (tương đương với kích thước của 20 bể bơi tiêu chuẩn Olympic) trong khu công nghiệp gần thành phố Matanzas của Cuba đã bị sét đánh trúng gây cháy lớn. Đến thời điểm hiện tại, 2 trong số 8 bể chứa dầu thô đã biến dạng và ngọn lửa đang đe dọa đến bể chứa thứ ba. Các lực lượng vẫn đang tập trung làm mát các bể chứa còn lại để ngăn chặn nguy cơ đám cháy lan rộng. Mặc dù gió thổi từ Vịnh Matanzas đã phần nào giúp hạ nhiệt các bể chứa, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến không mấy khả quan.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu 8,79 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 7/2022, tăng so với mức thấp nhất trong 4 năm được ghi nhận vào tháng Sáu, nhưng vẫn thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm lượng dự trữ dầu thô trong bối cảnh giá “vàng đen” tăng cao và tỷ suất lợi nhuận trong nước suy yếu ngay cả khi xuất khẩu chung của nước này tăng trưởng.
Trước việc nhu cầu xăng dầu của Mỹ thấp hơn và chiến lược “Zero COVID-19” của Trung Quốc càng làm chệch hướng đà phục hồi giá năng lượng, ngân hàng ANZ đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu cho năm 2022 và 2023 lần lượt là 300.000 thùng/ngày và 500.000 thùng/ngày.
Nhu cầu dầu thế giới năm 2022 hiện ước tính tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 99,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức cao trước đại dịch.
Xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga tiếp tục tăng bất chấp lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu dự kiến thực thi từ ngày 5/12.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng vào tuần trước đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu nhiều nhất kể từ tháng 9/2021, mức giảm đầu tiên trong 10 tuần qua. Lĩnh vực năng lượng sạch của nước này đã nhận được sự hậu thuẫn sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 430 tỷ USD về y tế, thuế và biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục