Sắp đến hạn chót phải hoàn thành tái định cư thủy điện Sơn La

18:21' - 15/12/2015
BNEWS Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La phải hoàn thành vào ngày 31/12/2015.

Tỉnh Sơn La đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng 2.124 /2.187 dự án, đạt 97% số dự án đã được giao. Còn 63 dự án thành phần đang tiếp tục triển khai, phấn đấu đến đầu quý I/2016 hoàn thành và đưa vào phục vụ đời sống, sản xuất của các hộ tái định cư.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư phường Chiêng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Sơn La cũng đã phê duyệt và giải ngân thanh toán đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong diện tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đạt 98% (5.310 tỷ đồng); giao đất, cấp đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Hiện tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11.564 hộ/11.648 hộ (đạt 99%).

UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh Sơn La đã tập trung quyết liệt, dồn sức cho công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong thực hiện dự án về công tác bồi thường, hỗ trợ chính sách quy định, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư ổn định cuộc sống và sản xuất tại nơi ở mới.

Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết tỉnh đã thực hiện di chuyển và tái định cư đợt 2 tại các điểm tái định cư Ten Nong, xã Nặm Giôn, huyện Mường La, điểm tái định cư Trại Dê, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, điểm tái định cư Pú Ỏn 1 và Pú Ỏn 2, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của đồng bào.

Một số vướng mắc trong thời gian chuyển dân tái định cư đến nay, Sơn La đã cơ bản giải quyết xong, như công tác bồi thường hỗ trợ thu hồi đất mặt bằng công trình thủy điện Sơn La, giải quyết vướng mắc trong áp dụng chế độ chính sách tái định cư đối với điểm tái định cư Nà Nhụng, huyện Mường La (Sơn La).

Một điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN

Một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế tại các điểm tái định cư, như mô hình hợp tác xã nuôi trồng thủy sản bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” đã thành lập được 7 hợp tác xã thủy sản và một số hộ dân tham gia nuôi với trên 275 lồng cá tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn.

Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng và tạo môi trường du lịch lòng hồ, UBND huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với các doanh nghiệp phát triển các loại cá tầm, cá lăng, cá nheo, rô phi đơn tính, trắm cỏ, chạch chấu, vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ du khách đến với vùng lòng hồ.

Ông Lò văn Khặn, bản Co Chặm, xã Chiềng Bằng, Quỳnh Nhai, Sơn La chia sẻ, từ khi tích nước thủy điện Sơn La, năm 2010 đến nay, gia đình tôi gồm 4 khẩu đã chuyển sang nghề mới là nuôi cá lồng trên hồ, thu nhập từ tiền bán cá lãi 400 triệu đồng/năm.

Ngoài chăn nuôi thủy sản, gia đình dùng số vốn được đền bù trong dự án di dân đầu tư mua xuồng máy, 1 máy ủi, 1 phà kéo để chở máy ủi đến các bản ven hồ nhận thầu khai hoang ruộng bán ngập vùng hồ thủy điện Sơn La.

Ông Tòng Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đánh giá, so với trước đây chăn nuôi, trồng lúa là chủ yếu, thu nhập bình quân của người dân từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, nay nuôi cá cho thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La khẳng định, qua 5 năm thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La (từ năm 2010) đến nay tại 53 khu, 273 điểm tái định cư của tỉnh, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, có điều kiện phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26% (năm 2011), xuống còn 18,75% (năm 2015)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục