Sắp diễn ra Hội chợ Thời trang Việt Nam 2016

17:28' - 19/12/2016
BNEWS “Bản sắc Việt-Hội nhập thế giới-Thân thiện môi trường” là chủ đề Hội chợ Thời trang Việt Nam 2016 sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội vào tối 21/12.
Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Thời trang Việt Nam 2016. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Thời trang Việt Nam 2016 do Công ty cổ phần Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (VEFAC) phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức chiều 19/12, ông Vũ Ngoạn Hợp, thành viên Hội đồng quản trị VEFAC cho biết: Đây là một sự kiện xúc tiến thương mại, ngày hội của ngành thời trang Việt Nam.

Mặc dù đã được tổ chức lần thứ 20 nhưng xét về tổng thể Hội chợ Thời trang 2016 vẫn giữ vững là hội chợ chuyên ngành có qui mô lớn với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Với quy mô trên 4.000 m2, hội chợ trưng bày trên 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp hàng đầu thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ các tỉnh thành trên cả nước.

Cùng đó là sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu như Tổng công ty CP may Nhà Bè, Tổng Công ty CP may Việt Tiến, Tổng Công ty CP dệt may Hanosimex, Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ, Tổng Công ty CP Phong Phú…

Đặc biệt, tại hội chợ các thương hiệu lớn trong ngành thời trang Việt Nam sẽ cho ra mắt công chúng những sản phẩm mới cùng hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn nhất trong năm.

Theo ông Hoàng Vệ Dũng- Phó Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 28,023 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2015.

Sở dĩ mức tăng trưởng không cao do năm 2016 là một năm khá khó khăn và dự báo năm 2017 sẽ tiếp tục có những thách thức mới với ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành dệt may đã có những bước tiến dài trong việc hội nhập quốc tế, tận dụng những lợi thế do các Hiệp định song phương, đa phương và chủ động đón đầu các cơ hội khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu.

Mẫu thời trang được giới thiệu tại buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới sản xuất theo phương thức trọn gói ODM, OBM tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam cũng ngày càng quan tâm và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Sản phẩm dệt may Việt Nam hiện nay đã có mặt trên mọi vùng đất nước với chủng loại đa dạng cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa thích và lựa chọn các sản phẩm dệt may hàng Việt, góp phần tích cực hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong bức tranh đó, Vinatex là doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may, tham gia tích cực vào chiến lược chung của toàn ngành với chủ trương mở rộng hợp tác với mọi đối tác trong và ngoài nước, hợp tác lâu dài trên tinh thần bình đẳng hai bên cùng có lợi.

Phát triển nhanh nhất chuỗi cung ứng toàn diện, trở thành quốc gia may mặc hùng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc VEFAC cho rằng: Với không khí chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới, Hội chợ Thời trang 2016 hy vọng mang đến không khí náo nhiệt từ những bộ sưu tập mới, những chương trình trình diễn thời trang mới lạ, đặc sắc.

Ngoài ra, tại hội chợ năm nay còn có sự tham gia của các nhà thiết kế áo dài trẻ đã được khẳng định thương hiệu như OZ Design House, Trịnh Fashion, Moon Designe…sẽ mang tới hội chợ những phong cách mới cùng chất liệu đa dạng, gần gũi với phái đẹp ở mọi hoàn cảnh, sự kiện trong đời sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục