Sắp thương mại hóa vaccine COVID-19 mới bào chế của SK Bioscience

12:13' - 16/03/2022
BNEWS Công ty dược phẩm SK Bioscience (Hàn Quốc) ngày 16/3 cho biết đã nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp tại Vương quốc Anh cho vaccine ngừa COVID-19 của doanh nghiệp này.

SK Bioscience đặt mục tiêu thương mại hóa vaccine GBP510 thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối năm nay.

Vaccine dưới tên gọi GBP510 do một công ty con của tập đoàn SK Group phát triển. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Hàn Quốc bào chế bước vào giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm lâm sàng.

SK Bioscience cho biết đặt mục tiêu đưa ra kết quả thử nghiệm sơ bộ đối với vaccine GBP510 trong quý I/2022 và xin cơ quan quản lý dược phẩm Hàn Quốc cấp phép khẩn cấp trong nửa đầu năm 2022. 

SK Bioscience cũng dự kiến xin cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép cho vaccine của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay.

Theo một số nguồn thạo tin, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi đã đạt được một thỏa thuận dự kiến về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải được các bên thông qua riêng rẽ và chỉ áp dụng cho các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Pfizer/BioNTech đã nộp đơn lên Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm liều vaccine thứ 4, tức là liều tăng cường thứ 2, cho những người từ 65 tuổi trở lên.

Theo Pfizer/BioNTech, đi kèm đơn xin cấp phép trên có dữ liệu phân tích thu thập được ở Israel, nước đã cho phép tiêm liều tăng cường thứ 2 cho người trên 18 tuổi.

Kết quả phân tích từ hơn 1 triệu người trưởng thành trên 60 tuổi cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và bệnh nặng ở những người tiêm thêm 1 liều tăng cường ít nhất 4 tháng sau khi tiêm liều tăng cường thứ nhất thấp hơn so với người chỉ tiêm 1 liều tăng cường.

Giới chức y tế Mỹ, trong đó có chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã nhiều lần đề cập việc tiêm liều tăng cường thứ 2, cho rằng điều này là cần thiết đối với người cao tuổi và để chuẩn bị ứng phó với khả năng bùng phát một đợt dịch mới.

Dữ liệu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho thấy hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian và việc tiêm thêm các liều tăng cường sẽ giúp củng cố khả năng miễn dịch, nhưng cơ quan này không công bố dữ liệu tổng hợp dựa trên yếu tố tuổi tác và tình trạng sức khỏe.

Tuần trước, Giám đốc điều hành hãng Pfizer, Albert Bourla, đã nhiều lần tuyên bố việc tiêm liều tăng cường thứ 2 sử dụng vaccine của hãng này là cần thiết để tăng khả năng miễn dịch sau khi hiệu quả bảo vệ của liều tăng cường đầu tiên suy giảm.

Phát biểu với báo Washington Post, ông Bourla cho biết dữ liệu cho thấy việc tiêm liều tăng cường thứ 2 trong vòng 3-6 tháng sau khi tiêm liều tăng cường đầu tiên giúp cải thiện đáng kể khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron so với việc chỉ tiêm 1 liều tăng cường.

Tháng 1/2022 vừa qua, Israel công bố dữ liệu cho thấy việc tiêm liều vaccine thứ 4 giúp tăng gấp đôi khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ mắc COVID-19 và giảm nguy cơ bệnh nặng từ 3-5 lần so với những người đã tiêm 3 mũi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục