Sắp xếp các truyền tải điện khu vực – Bài 1: Từ thực tế

15:45' - 01/03/2019
BNEWS Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc Gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải điện 2 đang tập trung tổ chức hợp lý hoá sản xuất nhằm tăng năng suất lao động.
Truyền tải điện Gia Lai bảo dưỡng thiết bị sửa chữa. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt sắp xếp lại lao động hợp lý trong bối cảnh sắp xếp lại các Truyền tải điện (TTĐ) thuộc khu vực Công ty quản lý.           

Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đang quản lý 7 TTĐ trực thuộc, bao gồm: TTĐ Quảng Bình; TTĐ Quảng Trị, TTĐ Thừa Thiên - Huế, TTĐ Đà Nẵng, TTĐ Quảng Nam, TTĐ Quảng Ngãi và TTĐ Kon Tum. Mỗi TTĐ được phân vùng quản lý tương ứng với 1 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Mô hình tổ chức của các TTĐ khu vực thống nhất theo mô hình chung của EVNNPT ban hành tại Quyết định số 2001/QĐ-EVNNPT ngày 17/9/2014. Bao gồm: Ban Giám đốc TTĐ; các phòng chức năng; các Đội đường dây, Trạm biến áp (TBA), Trung tâm vận hành trực thuộc. Hiện tại các Trung tâm vận hành thao tác xa cho các TBA đều thuộc cùng một TTĐ, thuận tiện cho việc điều hành, quản lý tài sản và lập kế hoạch sửa chữa thiết bị.

Trong bối cảnh sắp xếp lại các TTĐ khu vực theo yêu cầu của Tổng công ty thì phương án bố trí lao động được cho là giải pháp rất quan trọng để làm nên hiệu quả việc tái cơ cấu này.

Các dụng cụ phục vụ cho công tác sửa chữa vận hành của truyền tải điện. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đánh giá của ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty cho thấy, khi sắp xếp lại các TTĐ khu vực thì lực lượng lao động trực tiếp tại các Đội đường dây, Trạm biến áp, Trung tâm vận hành không thay đổi mà chỉ thay đổi lao động gián tiếp tại Văn phòng các TTĐ khu vực.

Thực tế là số lao động tại văn phòng các Truyền tải điện của PTC2 khi sắp xếp, bố trí lại cũng gặp những khó khăn như: Đa số các lao động trong diện phải sắp xếp hầu hết đã lớn tuổi, sức khỏe giảm, tiếp nhận kiến thức và công nghệ mới sẽ hạn chế, khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới không cao, dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp bố trí để đáp ứng được năng suất lao động và hiệu quả công việc. Trong khi đó, một số người khó có thể sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, khối lượng quản lý của PTC2 không có sự biến đổi lớn nên sự sắp xếp bố trí lại cán bộ, lực lượng lao động không bị xáo trộn. Rất nhiều người lao động đã làm việc tại một đơn vị từ 15 đến 20 năm nên xảy ra tâm lý lo ngại khi điều chuyển, sắp xếp lại. Hơn nữa, bản thân họ đều có cuộc sống ổn định nên khi thay đổi nơi làm việc xa gia đình thì đều có phản ứng tiêu cực.

Do vậy, để thực hiện tốt việc bố trí lao động khi tiến hành sắp xếp lại các TTĐ, theo ông Phong cần phải hài hòa lợi ích tập thể/đơn vị và cá nhân người lao động; Bố trí, sắp xếp theo trình độ chuyên môn, năng lực sở trường của từng CBCNV; Thực thi nhiệm vụ một cách khách quan, công tâm, tránh tình cảm cá nhân ảnh hưởng tới công việc./.

Bài 2:… đến kinh nghiệm

Xem thêm:

>>Giải pháp nào tăng năng suất lao động trong ngành truyền tải điện?

>>Lào đặt mục tiêu thành trung tâm của hệ thống truyền tải điện khu vực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục