Sạt lở bờ sông Thao đã gần 2 năm chưa có dấu hiệu giảm

08:22' - 06/07/2019
BNEWS Theo người dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tình trạng sạt lở bờ sông Thao bắt đầu diễn ra từ tháng 8/2017, đến nay không có chiều hướng giảm, khiến họ nơm nớp lo sợ, đứng ngồi không yên.

Một đoạn sông Thao bị sạt lở. Ảnh: Trung Kiên /TTXVN

Hai năm trở lại đây, cứ mỗi lần mưa lớn, hàng chục hộ dân ở khu 8, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ lại nơm nớp lo sợ, đứng ngồi không yên bởi lẽ cứ mỗi lần có mưa lớn, nước sông Thao dâng cao, tình trạng sạt lở ở đây lại diễn ra, từng bụi tre, gốc cây, con đường, tường rào của người dân cứ từ từ chìm nghỉm dưới dòng sông...

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở trên bắt đầu diễn ra từ tháng 8/2017, đến nay không có chiều hướng giảm. Mùa mưa năm 2018, nước sông Thao dâng cao làm con đường của khu 8, xã Xuân Quang sạt lở nghiêm trọng. Sau đó, người dân đã huy động tiền của và công sức để đắp lại.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện nay cả một đoạn đường dài gần trăm mét mới được đắp lại xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc. Thậm chí, tình trạng sạt lở còn khiến sân, nhà ở, tường rào... của nhiều hộ nơi đây cũng bị nứt nẻ nghiêm trọng.

Chỉ tay về phía dòng sông Thao, nơi những bụi tre, cây ăn quả đã bị sạt xuống sông, nghiêng ngả, bà Lê Thị Cúc, trú tại khu 8, xã Xuân Quang không khỏi lo lắng: Trước đây, đường đi cách đường cũ này khoảng 4 - 5 mét. Tuy nhiên, từ tháng 8/2017 đến nay, tình trạng sạt lở diễn ra một cách nhanh chóng. Đường bị sạt không thể đi được, mấy hộ gia đình ở đây đành phải góp mỗi nhà 10 - 20 triệu đồng để đổ đất lấy đường đi.

Cũng theo bà Cúc, việc đổ đất lấy đường đi lại chỉ là biện pháp tạm thời, không khác gì việc “bắt cóc bỏ đĩa”. Do không được kè kiên cố nên chỉ vài cơn mưa lớn, nước dâng cao là con đường lại chìm nghỉm dưới dòng sông. Không những thế, hiện tượng sạt lở một cách nhanh chóng, nghiêm trọng như bây giờ đã khiến nhiều nhà bị nứt nẻ, nguy cơ trôi cả nhà xuống sông rất dễ xảy ra.

"Cứ mỗi khi có mưa lớn, nước dâng cao là cả khu này thấp thỏm lo âu và luôn trong trạng thái sẵn sàng mặc áo phao, lao ra khỏi nhà. Biết là sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu và nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, người dân vẫn phải bám trụ nơi này", bà Lê Thị Cúc chia sẻ.

Còn theo ông Đặng Ngọc Phúc, hàng xóm của bà Cúc, ước mong lớn nhất của người dân nơi đây là được chính quyền địa phương quan tâm sâu sát hơn nữa. Về lâu dài, chính quyền nghiên cứu, khảo sát làm kè kiên cố, nhằm giảm tình trạng sạt lở, để người dân yên tâm sản xuất và sinh sống.

"Từ tháng 8/2017 đến nay, nhiều đoàn của huyện Tam Nông và tỉnh Phú Thọ đã đến kiểm tra, xem xét về phương án khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phương án lâu dài cụ thể nào được đưa ra”, ông Phúc bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đỗ, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết, tình trạng sạt lở ở khu 8 xã Xuân Quang bắt đầu từ năm 2017 đến nay, làm ảnh hưởng đến đời sống của 50 hộ dân trong khu vực. Đặc biệt, 15 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp khi cận kề mép sông, đường cái bị sạt nặng, có hiện tượng nứt gãy mặt sân, tường nhà, một số hộ có nguy cơ bị cô lập nếu đường đi bị sạt lở nghiêm trọng.

"Trước tình trạng này, UBND xã Xuân Quang ngoài việc cắm biển báo nguy hiểm, lập rào chắn, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở đã có văn bản báo cáo lãnh đạo cấp trên cho xử lý khẩn cấp những đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực", ông Lê Văn Đỗ cho biết thêm.

Trước đó vào ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình sạt lở tại khu 8, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông. Sau khi kiểm tra thực tế, ông Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Thiên tai trong những năm trở lại đây diễn ra phức tạp với chiều hướng ngày càng khốc liệt, bất thường.

Huyện Tam Nông phải chủ động sẵn sàng với phương châm “4 tại chỗ”; phương án phòng, chống thiên tai phải có trọng tâm trọng điểm, sát với tình hình thực tế, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đối với các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang giao ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát cụ thể, xác định rõ những điểm xung yếu, cấp bách nhất đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân để có biện pháp xử lý khẩn cấp.

Huyện Tam Nông kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ đập, đê kè cống, các công trình phòng chống lụt bão xung yếu đang bị hư hại để có phương án xử lý, không để những sự cố đáng tiếc xảy ra.../.

Xem thêm:

>>Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thao, tại huyện Tam Nông

>>Cảnh báo sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục