Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 1- Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng gia tăng

08:30' - 24/05/2017
BNEWS Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người và là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng do tác động của con người đã gây nên tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển.

Tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, cùng với sự can thiệp quá mức của con người vào thiên nhiên, nên hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển đã và đang là vấn đề bức xúc nhất hiện nay, do đó cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để có thể khắc phục sạt lở một cách tận gốc trong tương lai gần.

Bài 1: Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng gia tăng

Theo nghiên cứu Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, 38% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Trong những nguyên nhân gây sạt lở cho thấy yếu tố tác động của con người đang trở nên "then chốt".

* Tìm nguyên nhân

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 406 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài 891km, trong đó có những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như vụ sạt lở đoạn bờ sông tại sông Vàm Nao với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, 91 căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, cắt đứt tuyến giao thông liên xã.

Sạt lở bờ sông Tiền xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chiều dài 600m, uy hiếp 108 phải di dời khẩn cấp và 119 hộ bị ảnh hưởng.

An Giang được đánh giá là một trong những địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do sạt lở. Cụ thể, năm 2010 sạt lở bờ sông đã xâm thực vào quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, với chiều dài 150m.

Người dân vất vả khi di chuyển qua đoạn sạt lở tại ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Ảnh: TTXVN

Năm 2012 sạt lở tại phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên với chiều dài 80m. Năm 2014 sạt lở tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, thị xã Tân Châu với chiều dài 100m làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trong khu vực...

Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho thấy, có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 162.550m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân.

Trong 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở huyện An Phú, huyện Chợ Mới, thị xã Tân Châu... với chiều dài sạt lở 1.224m, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản, công trình hạ tầng khác, đã di dời khẩn cấp 136 căn, đồng thời phải di dời thêm các hộ dân vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Tại tỉnh Bạc Liêu, sạt lở kè Gành Hào, huyện Đông Hải làm đứt gãy dầm mũi hắt sóng 47m, diện tích kè bị mất trên 800m. Hay sạt lở đất ở khu vực rạch Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) làm sập 2 tuyến đường 2 bên tuyến rạch, uy hiếp ổn định Đồn Biên phòng Đất Mũi và nhiều hộ dân.

Cũng do sạt lở đã dẫn đến diện tích rừng trong 5 năm trở lại đây (từ 2011-2015) ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 10%, tương đương với 28.387ha.

Qua kết quả khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã sơ bộ nhận định một số nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và sạt lở tại bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nói riêng.

Đó là do các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ...

Theo phân tích của ông Tô Văn Trường, Chuyên gia độc lập Tài nguyên nước và Môi trường: Nguy cơ gia tăng sạt lở bờ sông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể thấy rõ thông qua các hiện tượng biến đổi dòng chảy và chế độ thủy văn ở đây, cũng như hoạt động của con người.

Liên tục các năm hạn từ 2002 đến 2010 và lũ lớn năm 2011, thay đổi dòng chảy này chủ yếu là do khí hậu, chuỗi năm hạn và mưa nhiều ở 2011-2016. Đã có thể thấy tác động đến thủy văn dòng chảy do phát triển ở thượng lưu ở thời điểm hiện nay khi hiện tượng dòng chảy, bùn cát trên sông Mê Công giảm trong những năm gần đây là điều bất thường.

Về thủy văn triều biển: Triều cường liên tục tăng cao từ 2005 đến nay, làm gia tăng tốc độ dòng chảy trên dòng chính. Phát triển đê bao, bờ bao ngoài những lợi ích thấy rõ, đồng thời cũng làm gia tăng tốc độ gây xói.

Bên cạnh đó, nghề nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, các loài nhuyễn thể...) phát triển mạnh tại hầu hết các huyện ven biển. Chính nghề này đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh.

Nhưng sự phát triển tự phát, tràn lan, thiếu quy hoạch đã tàn phá nhiều ha rừng ngập mặn ven bờ biển, đã có dấu hiệu gây suy thoái môi trường, làm mất căng bằng sinh thái tăng nguy cơ phá vỡ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong khu vực. Hậu quả trước mắt là làm mất cân bằng địa động lực vùng bờ, gây nên xói lở bờ nghiêm trọng tại nhiều nơi.

Ngoài ra, tình trạng xây dựng các công trình trái phép lấn chiếm mặt sông làm cản trở việc thoát lũ, dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ phía sau công trình.

Tình trạng xây dựng các tuyến đường giao thông có cao trình vượt lũ năm 2000 và đê bao trong thời gian qua, cũng đã làm giảm lượng nước lũ chảy vào nội đồng, đồng thời làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng lũ vào hai dòng chính gây xói lở bờ sông.

Xói lở do sóng tạo ra từ hoạt động vận tải thủy gây ra, ngoài ra còn nhiều diện tích nuôi thủy sản ở các khu vực bãi bồi và neo đậu bè cá không đúng qui hoạch, làm co hẹp và chuyển dịch dòng chảy gây xói lở bờ sông.

Đặc biệt, hoạt động khai thác cát sông là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến thay đổi dòng dẫn. Tình trạng khai thác cát ồ ạt, bừa bãi làm thay đổi dòng chảy và gây ra sạt lở đường bờ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* Giải pháp tình thế

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp làm việc với một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng chống sạt lở.

Sau khi khảo sát tại những điểm sạt lở nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang xảy ra ở nhiều nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có những địa phương diễn ra rất nghiêm trọng như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người dân cũng như hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội.

Về nguyên nhân gây sạt lở các Bộ, ngành cũng đã đưa ra, nhưng chưa có giải pháp đồng bộ khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, chưa có đánh giá tổng hợp, khoa học cả về tình hình, nguyên nhân từ đó đề ra giải pháp đồng bộ để đưa ra lộ trình phòng chống phù hợp, hiện nay việc xử lý sạt lở còn mang tính tạm thời, bị động.

Trước mắt, để bảo về tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành có liên quan phải theo dõi chặt chẽ, quan trắc, cảnh báo để có kế hoạch cảnh báo sớm sơ tán người dân nhanh nhất, không thiệt hại tính mạng, tài sản.

Khu vực sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, để khắc phục nhanh hậu quả sạt lở ở huyện An Phú, huyện Chợ Mới, thị xã Tân Châu... UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, vật dụng và các thiết bị, hàng hóa có tải trọng lớn nằm trên khu vực đã và đang sạt lở đến nơi ở mới an toàn...

Nhưng để ổn định, bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, tỉnh kiến nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ 820 tỉ đồng xây dựng các cụm tuyến dân cư vùng sạt lở giai đoạn 2017-2020, để di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở rất nghiêm trọng hiện nay.

Mặt khác, triển khai ngay một số giải pháp mềm như sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tre, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thuỷ gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học.

Để tăng hiệu quả và khả năng chống sạt lở cho khu vực cấp thiết này, nên kết hợp các cuộn xơ dừa ở ngay phía trên các rọ đá này. Trong hệ thống cuộn đá - cuộn xơ dừa này thì các cuộn đá và cuộn xơ dừa được cố định bằng các cọc gỗ đi xuyên qua lớp lưới vỏ bọc của cuộn đá và cuộn xơ dừa và đóng sâu vào đất.

Cùng với đó là tiến hành đồng bộ các giải pháp phi công trình như thăm dò để khai thác cát ở những khu vực cần thiết giúp chỉnh trị dòng chảy; nạo vét đáy sông; chỉnh trị dòng chảy chủ lưu nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt.

Giải pháp phi công trình vừa ít tốn kém, vừa tận dụng khai thác tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông. Tăng cường thanh kiểm tra việc xây dựng các công trình ven sông; quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông, quản lý giao thông thủy hợp lý.

Nghiên cứu xây dựng các công trình cứng như kè chống sạt lở bờ sông và các công trình nắn dòng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để đưa ra các thông số công trình hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay./.

Xem thêm:

>>>Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2-Thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ

>>Đẩy mạnh hợp tác quốc tế giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu

>>Một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục