Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có chất lượng điều hành tốt trong cả nước

21:16' - 05/04/2017
BNEWS Một số tỉnh, thành như Thành phố cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Tiền Giang, có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng. ĐBSCL đang được sự quan tâm hướng đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: TTXVN

Ngày 5/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chia sẻ các thực tiễn tốt trong cải thiện PCI”.

Theo Ban tổ chức hội thảo, sau 12 năm công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ĐBSCL luôn được đánh giá là khu vực có chất lượng điều hành tốt so với các khu vực khác trên cả nước. Theo bảng xếp hạng PCI năm 2016, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ được vị trí cao trong bảng xếp hạng với thứ hạng 3 cả nước.

Một số tỉnh, thành như Thành phố cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng. Điều đó cho thấy, ĐBSCL đang được sự quan tâm hướng đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, năm 2016, chỉ số PCI đạt 62,76 điểm; tăng từ thứ 19 năm 2015 lên thứ 6 so với các tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2 trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nằm trong nhóm “Rất tốt” của cả nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, tỉnh rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, lấy cải cách hành chính và thủ tục hành chính làm thước đo tính minh bạch của chính quyền. Qua đó, tỉnh đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Nuôi cá tra tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định, các tỉnh thành có sự cải thiện thứ hạng trong PCI đều có sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Như vậy, PCI đang là một công cụ để điều hành kinh tế của địa phương.

Căn cứ vào bảng xếp hạng của PCI, các tỉnh đã cải thiện môi trường đầu tư cũng như chia sẻ được những kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình. Lãnh đạo tỉnh sử dụng PCI để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp sở ngành, huyện, thị.

Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của PCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế. Giới nghiên cứu khai thác bộ dữ liệu PCI cho các nghiên cứu, phân tích khoa học của mình.

Ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết, điểm sáng của PCI vùng ĐBSCL năm 2016 là việc tiếp cận đất đai thuận lợi, thủ tục hành chính nhanh chóng, doanh nghiệp ít phải chi trả chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh bình đẳng, đứng đầu về tính năng động, tiên phong của chính quyền trong nhiều năm và doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường pháp lý an toàn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng hơn đối với vùng về nâng cao chất lượng lao động, cải thiện việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tham vấn doanh nghiệp và kịp thời nắm bắt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp./.

>>xem thêm: Xem xét việc hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục