Sau trứng, giá thịt bò Mỹ tăng phi mã

10:12' - 22/07/2025
BNEWS Sau cơn sốt giá trứng gây chấn động hồi đầu năm nay, người tiêu dùng Mỹ giờ đây lại phải đối mặt với một mặt hàng khác đang tăng giá phi mã - thịt bò.
Lần gần nhất người Mỹ cảm nhận rõ rệt giá cả tăng vọt tại các siêu thị là khi giá trứng chạm mức cao kỷ lục. Sau đó, giá trứng đã giảm dần khi dịch cúm gia cầm được kiểm soát và những nhà sản xuất nhanh chóng bổ sung nguồn cung gia cầm. Tuy nhiên, thách thức lần này với thịt bò được dự báo sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Hiện tại, giá thịt bò đang liên tục phá vỡ các kỷ lục. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá mặt hàng này đã tăng gần 9% kể từ tháng 1/2025, với giá bán lẻ trung bình đạt 9,26 USD/pound (1 pound = 0,45 kg). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 cho thấy giá bít tết và thịt bò xay đã tăng lần lượt là 12,4% và 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Các chuyên gia nhận định, việc hạ nhiệt giá thịt bò sẽ khó khăn hơn nhiều so với giá trứng. Ông Michael Swanson, chuyên gia kinh tế nông nghiệp hàng đầu tại ngân hàng Wells Fargo, đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai thị trường đó là ngành chăn nuôi có nhiều yếu tố khó đoán, phản ứng chậm với thay đổi, trong khi thị trường chứng có khả năng kiểm soát và điều tiết linh hoạt hơn.

Mức giá thịt bò cao kỷ lục hiện nay là kết quả của những vấn đề đã tích tụ trong cả một thập kỷ, bao gồm đàn gia súc bị thu hẹp, tình trạng hạn hán kéo dài và sự gia tăng của thịt bò nhập khẩu, tất cả diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vẫn rất mạnh mẽ.

Tháng 6/2025, trong cuộc họp báo cáo tài chính, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn thực phẩm Tyson Foods, ông Donnie King, thừa nhận rằng ngành thịt bò đang trải qua những điều kiện thị trường thách thức nhất mà ông từng chứng kiến.

Theo Liên đoàn trang trại Mỹ (AFBF), quy mô đàn gia súc của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong 74 năm. Chăn nuôi gia súc không còn mang lại lợi nhuận như trước, và nhiều chủ trang trại đã phải từ bỏ ngành nghề này.

Một trong những chi phí đầu vào lớn nhất chính là thức ăn gia súc. Theo AFBF, hạn hán kéo dài trên phần lớn vùng đất chăn nuôi của Mỹ đã làm khô cằn các đồng cỏ, buộc những chủ trang trại phải phụ thuộc vào các loại thức ăn chăn nuôi đắt đỏ thay vì cỏ chăn thả tự nhiên. Cùng lúc đó, thị trường thịt bò Mỹ đang chứng kiến sự thay đổi lớn về cán cân xuất nhập khẩu.

Theo ông Swanson, thịt bò nhập khẩu từ các quốc gia như Argentina, Australia và Brazil hiện chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ tại Mỹ. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu thịt bò chậm lại, trong tháng 5/2025 giảm 22%  so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước bối cảnh giá cả tăng cao, một số nhà bán lẻ đang tìm những cách sáng tạo để cắt giảm chi phí. Tháng 6/2025, tập đoàn bán lẻ Walmart đã khai trương cơ sở chế biến thịt bò đầu tiên do chính họ sở hữu và vận hành tại Olathe, Kansas. Cơ sở này cho phép Walmart làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp, loại bỏ khâu trung gian và tiết kiệm chi phí.

Về câu hỏi khi nào giá thịt bò có thể giảm, nhà kinh tế Bernt Nelson của AFBF cho rằng điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ thịt của người tiêu dùng Mỹ thường tăng khi tình hình tài chính hộ gia đình cải thiện và giảm khi thu nhập đi xuống. Nếu niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm cùng với sự bất ổn tài chính, nhu cầu đối với thịt bò có thể gặp rủi ro, đặc biệt là khi giá bán lẻ đang ở mức cao kỷ lục. Nếu kịch bản đó xảy ra, các nhà sản xuất và chủ trang trại sẽ còn gặp khó khăn hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục