SCIC chọn thời điểm thoái vốn theo tín hiệu thị trường

14:30' - 08/08/2018
BNEWS Hiệu quả bán vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá vốn, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn).
Họp báo về kết quả hoạt động thời gian qua của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước-SCIC. Ảnh: Đức Duy/BNEWS/TTXVN
Theo báo cáo kết quả hoạt động thời gian qua của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị luôn chủ động chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn theo tín hiệu của thị trường đối với nhiều doanh nghiệp nhằm thu về lợi ích cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC cho biết, doanh thu bán vốn (bao gồm cả CTCP Nhựa Bình Minh) là 2.669 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng thu thoái vốn của cả nước là 5.598 tỷ đồng. Về cơ chế bán vốn, SCIC đã chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP.

Quy trình bán vốn của SCIC được xây dựng đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và hiệu quả bán vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá vốn, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn).

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay việc SCIC chiếm gần một nửa doanh thu bán vốn của cả nước cho thấy sự chủ động cũng như việc tận dụng được sự "hưng phấn" từ thị trường vốn và thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm 2018. Điển hình như tháng 03/2018, SCIC đã thực hiện bán đấu giá thành công 24.139.923 cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh với giá trị 96.500 đồng/cổ phiếu, thu được 2.330 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn 2.182 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm trong công tác quản trị vốn nhà nước với vai trò cổ đông tại các doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp. SCIC đã thực hiện tái cơ cấu và qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao chuyên môn trong triển khai công tác bán vốn.

Liên quan đến Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp thuộc 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn Nhà nước trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Ông Nguyễn Chí Thành cho biết, SCIC đã chủ động đôn đốc, làm việc trực tiếp với các Bộ, địa phương, nhưng tiến độ chuyển giao còn chậm. Lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232 đến hết tháng 6 năm 2018, SCIC đã tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng số vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 5/45 doanh nghiệp theo Kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng số vốn Nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 địa phương,

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã xong hồ sơ chuyển giao, nhưng còn tồn đọng về tài chính và không phù hợp với các quy định của Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại SCIC.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ các Bộ, địa phương, SCIC kiến nghị cần chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118; đồng thời chuẩn bị ban hành quy chế bán thoái vốn, phù hợp các quy định hiện hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục