SCIC đặt mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm

12:37' - 18/01/2024
BNEWS Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn đến năm 2025, SCIC đặt mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng đạt 6.700 tỷ đồng.
SCIC đặt mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm. Thông tin này được đưa ra tại buổi công bố, triển khai Chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo Quyết định số 1336/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của đơn vị này.

 
Phát biểu tại buổi công bố, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng Giám đốc SCIC  cho biết, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn đến năm 2025, SCIC đặt mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng đạt 6.700 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt 5.400 tỷ đồng và tổng số giải ngân đầu tư cả giai đoạn đến năm 2025 là 36.300 tỷ đồng.

Chia sẻ về mục tiêu giai đoạn 2026-2030, SCIC sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào những ngành mang lại hiệu quả, những ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển. Từng bước nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2025.

Tiếp đến giai đoạn 2031-2035, SCIC hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, là công cụ, kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.

Theo ông Đinh Việt Tùng, SCIC sẽ tuân thủ nguyên tắc đầu tư đảm bảo hiệu quả tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của SCIC.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: SCIC được áp dụng cơ chế hạch toán và đánh giá hiệu quả hoạt động, mức độ bảo toàn vốn phù hợp theo quy định pháp luật hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Đề cập đến vấn đề cơ cấu đầu tư theo ngành lĩnh vực giai đoạn đến năm 2025, SCIC sẽ đảm bảo nhiệm vụ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm Nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối và bảo toàn phát triển vốn. Những ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm Nhà nước cần tập trung đầu tư theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030: trên 50% tổng vốn đầu tư; Ngành, lĩnh vực và dự án mang lại hiệu quả kinh tế khác: Không quá 50% tổng vốn đầu tư.

Đối với giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến năm 2035, SCIC hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Tỷ trọng phân bổ vốn đầu tư với ngành lĩnh vực, dự án trọng điểm Nhà nước cần tập trung đầu tư: trên 70% tổng vốn đầu tư; ngành, lĩnh vực và dự án mang lại hiệu quả kinh tế khác: Không quá 30% tổng vốn đầu tư.

Để thực hiện những mục tiêu trên, SCIC đưa ra một nhóm các giải pháp, theo đó đối với giai đoạn 2025 sẽ đẩy nhanh việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; tiếp tục triển khai cơ cấu lại và cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh, mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, SCIC nghiên cứu, hoàn thiện, đề xuất mô hình hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn; tiếp tục xây dựng hệ thống thể chế, đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao năng lực tài chính và chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC.

Tại buổi công bố, đại diện cho Tập đoàn FPT ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông FPT chia sẻ, FPT cam kết đẩy mạnh tái cơ cấu cùng SCIC triển khai thực hiện chiến lược. Cùng với đó, FPT cũng hy vọng những hiệu quả mà SCIC hướng tới trong quá trình triển khai chiến lược sẽ hỗ trợ FPT trong quá trình phát triển tới đây.

Dưới góc nhìn chuyên gia về chiến lược phát triển của SCIC, ông Võ Trí Thành cho rằng, SCIC nên đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2025.

Trước đó, trong báo cáo kết hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của năm 2023, lãnh đạo SCIC cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong bối cảnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, SCIC đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2023 và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động. Tổng doanh thu lũy kế đến 31/12/2023 ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 230% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng bằng 221% kế hoạch năm 2023.

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận 01 doanh nghiệp (Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP) với vốn nhà nước là 1.540 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 2.370 tỷ đồng.

Đối với công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã triển khai bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị chào bán là gần 2.000 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai hoạt động đầu tư, SCIC đã chủ động, tích cực làm việc với các Bộ ngành, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty lớn về việc tham gia đầu tư vào các dự án lớn, dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm cũng như triển khai các dự án có tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Trên cơ sở nguồn lực đầu tư như trên, trong năm 2023 SCIC đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư 10 dự án, với số vốn giải ngân dự kiến khoảng 20.452 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục