Sẽ bãi bỏ nhiều điều kiện trong kinh doanh khí gas?

14:47' - 22/03/2017
BNEWS Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh khí gas đối với thương nhân đầu mối sẽ bị bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và sự phát triển lành mạnh của thị trường khí gas

Doanh nghiệp kinh doanh khí gas sẽ được tạo điều kiện phát triển. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới chính sách, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí gas đồng thời, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Nghị định kinh doanh khí vào ngày 22/3.

Đại diện ban tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 đã xác định cụ thể mục tiêu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.

Đó là lý do cần rà soát các văn bản pháp luật; trong đó, có nghị định về kinh doanh khí, nhằm đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Đại diện ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Giang, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng (Đông Tùng Gas) cho biết, năm 2016 tỉnh Hà Giang có 45 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì nay chỉ còn 30 doanh nghiệp.

Nếu Bộ Công Thương và các ban, ngành không sớm có sự điều chỉnh, sửa đổi những bất cập về điều kiện kinh doanh như trong Nghị định 19/2016/NĐ-CP thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh khí tại Hà Giang sẽ còn giảm thấp nhiều hơn nữa.

Ghi nhận thực tế từ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Hữu, Tổng thư ký, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho biết, các quy định hiện hành về kinh doanh khí còn tồn tại sự chồng chéo liên quan tới các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ… gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cũng như các lực lượng quản lý thị trường.

Chính vì thế, đang có tình trạng “loạn” thị trường kinh doanh khí gas, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu tài sản (vỏ bình gas)… Đó là chưa kể, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng hay thu giữ tài sản của các doanh nghiệp khác đang kinh doanh gas; tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng.

"Tuy nhiên, cần cân nhắc việc thay đổi chính sách, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã phải sửa đổi và điều chỉnh các quy định hiện hành về kinh doanh khí sẽ có thể gây khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần những chính sách ổn định để yên tâm làm ăn", ông Hữu lưu ý.

Đánh giá tác động chính sách, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay, đúng là Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đang tồn tại nhiều bất cập; nhiều quy định bộc lộ rõ sự bất hợp lý.

Cụ thể như điều kiện đối với thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG; điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí; quy định về thiết lập hệ thống phân phối; quy định về an toàn trong hoạt động cấp khí cũng như nhiều quy định khác về thủ tục hành chính…

Chính vì lẽ đó, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 19/2016 với những điểm mới như: bãi bỏ các điều kiện thương nhân đầu mối gồm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG. Đồng thời, bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí; quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí; các quy định liên quan tới an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí, đối với trạm nạp và trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai và an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG.

Quan điểm bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện kinh doanh khí đã được đông đảo doanh nghiệp ủng hộ, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp quy mô lớn, đã có sự đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trạm chiết nạp gas, bồn chứa… lại chưa đồng tình.

Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần dầu khí EPIC (Nghệ An) cho rằng, bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí có thể khó khắc phục tình trạng “loạn” thị thường. Nhất là khi ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn diễn ra việc chiết, nạp “chui” dẫn tới khó đảm bảo quy chuẩn an toàn trong phòng chống, cháy nổ; hay giá gas sẽ mỗi nơi, mỗi kiểu. Đương nhiên, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng và doanh nghiệp khí gas sẽ gặp không ít khó khăn, dù ở bất kỳ quy mô nào.

Bổ sung ý kiến đóng góp, ông Hữu cho rằng cần điều chỉnh quy định về niêm yết giá. Việc công khai, niêm yết giá áp dụng đối với hình thức bán lẻ, tới tay người tiêu dùng là cần thiết. Song, lại không phù hợp với những trường hợp bán theo hợp đồng thương mại đối với các công ty khác.

Như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó bảo mật thông tin như hiện nay.

Quy định về tập huấn và đảm bảo 100% nhân viên kinh doanh khí gas phải có chứng nhận đã qua đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ cũng có điểm chưa phù hợp. Ông Hà Thanh Tùng cho rằng, nên sửa đổi quy định này theo hướng chỉ những bộ phận trực tiếp, nhân viên làm trực tiếp hay lãnh đạo quản lý phải đảm bảo có chứng nhận; đồng thời cần nêu rõ việc đơn vị có thể tự tổ chức việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên hay không để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí, ông Tân nhấn mạnh, ban soạn thảo sẽ cân nhắc và điều chỉnh dự thảo sao cho phù hợp tới thực tiễn và yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục