Sẽ ​nghiên cứu giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế

17:17' - 21/09/2021
BNEWS Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; trong đó, tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian nộp thuế, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế là 304 thủ tục hành chính; trong đó, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 122 thủ tục, mức độ 3 là 32 thủ tục, mức độ 4 là 150 thủ tục. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của ngành thuế là 182 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 59,9%.
Cùng với đó, ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Đến nay, cả nước đã có 838.787 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 841.018 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,7%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 12.925.589 hồ sơ.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến 19/8, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 832.802 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99%.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với hệ thống ngân hàng là 831.154 doanh nghiệp, đạt 98,8%. Từ ngày 1/1/2021 đến nay, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.425.472 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 486.844 tỷ đồng và 29.350.060 USD.
Đối với hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã triển khai tại 63 tỉnh và tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 7.654 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 97,44 %. Số hồ sơ tiếp nhận là 17.177 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,49 %; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 12.428 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 79.772 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai Đề án thí điểm hóa đơn điện tử. Từ 1/1 đến 19/7/2021, có 172.800 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu là hơn 17.708 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 1.552 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của người nộp thuế.
Ngành thuế cũng sẽ thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. Cùng đó, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực.
Tổng cục Thuế cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận.

Đặc biệt, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được lấy làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành thuế và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục