Sẽ tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội sắp tới

17:44' - 17/04/2017
BNEWS Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Tăng thời lượng chất vấn nhưng không tăng nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 3 xin được điều chỉnh như sau: Rút bốn dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật về hội; Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Bổ sung hai nội dung trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Đối với công tác lập pháp, Quốc hội xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật, dự kiến làm việc trong 12,75 ngày; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát trong 6,25 ngày và dành 2,5 ngày cho hoạt động khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 là 21,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5/2017 và dự kiến bế mạc vào ngày 20/6/2017.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rút bốn dự án luật ra khỏi dự kiến Chương trình và bổ sung hai dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua; không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc tăng nửa ngày so với các kỳ họp trước đây lên 3 ngày nhưng không tăng nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn để tăng thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội.

Đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung ba nội dung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Cần thiết xem xét dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Chính phủ phải trình hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4 này. Nghị quyết này được xem xét, thông qua tại một kỳ họp nhưng sẽ qua hai vòng. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, nếu trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới thì Chính phủ phải trình hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 9.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5 sẽ tiếp tục xem xét lần nữa, đủ điều kiện mới trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, đây là vấn đề chưa bức xúc lắm, đến giờ chưa có hồ sơ gửi sang để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nên sẽ để lại nội dung này, không xem xét tại Kỳ họp thứ 3.

* Xem xét Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân.

Tờ trình về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân nêu rõ: Vị trí việc làm của Tòa án nhân dân gồm 2 Đề án: Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân và Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Về Đề án vị trí việc làm của công chức, theo Đề án, hệ thống Tòa án nhân dân có Khung danh mục 194 vị trí việc làm của công chức, số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm là 19.415 người, trong đó: Các ngạch Thẩm phán có 6.970 người (tỉ lệ 35,9%); chức danh tư pháp khác (Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án) có 10.364 người (tỉ lệ 53,4%); chức danh khác (các ngạch công chức hành chính) có 2.081 người (tỉ lệ 10,7%).

Như vậy, so với số lượng biên chế được phân bổ năm 2012 (tại Nghị quyết số 473a/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 15.237 người), thì số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm tăng 4.178 người. Ngoài biên chế công chức, hệ thống Tòa án nhân dân có 4 vị trí việc làm theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tương ứng với 2.754 người.

Về Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao, theo Đề án, tại Tòa án nhân dân có tổng số 84 vị trí việc làm, số lượng người cần thiết bố trí theo vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao là 219 người.

Thẩm tra Đề án, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có quan điểm về phạm vi điều chỉnh của Đề án: Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với nội dung về vị trí việc làm và nội dung về số lượng biên chế. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm do Tòa án nhân dân tối cao trình; đồng thời là cơ quan có thẩm quyền quyết định biên chế công chức của Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, đây là hai nội dung khác nhau và thuộc hai Đề án khác nhau điều chỉnh. Theo trình tự, Đề án vị trí việc làm sẽ được phê duyệt trước; sau đó trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Đề án biên chế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Đề án chỉ tập trung xác định về vị trí việc làm trong ngành Tòa án nhân dân, tiêu chuẩn và các chức danh ngạch công chức tương ứng theo từng vị trí việc làm, không đề cập đến nội dung phê duyệt biên chế. Thực tế, dự thảo Nghị quyết phê duyệt Danh mục vị trí việc làm của Tòa án nhân dân cũng chỉ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt về vị trí việc làm của Tòa án nhân dân các cấp.

Việc thực hiện theo trình tự như vậy cũng bảo đảm nhất quán với Nghị quyết số 39-NQ/TW, theo đó: “Sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp”.

Theo chương trình, ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục