Sẽ xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với đổi mới sáng tạo

12:45' - 18/01/2021
BNEWS Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ...

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn lực để đảm bảo thực hiện Kế hoạch.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2030, góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 50% vào tăng trưởng kinh tế.

Theo Quyết định, từ 30-35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 5 đến 7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.

Tối thiểu 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.

Bên cạnh đó, hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Theo Kế hoạch, để đạt được các mục tiêu đề ra, các bộ ngành, địa phương sẽ tiến hành hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất; đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng năng suất lao động đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù, lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng năng suất lao động đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.

Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp…

Nhìn chung, tăng năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất phổ biến ở các quốc gia có mức độ phát triển thấp.

Hiện nay, nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhận diện được các yếu tố, nguyên nhân tác động đến năng suất lao động là căn cứ quan trọng để xác định những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động trong thời gian tới.

“ Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”; tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục