Siết chặt kiểm soát về an toàn thực phẩm mùa lễ hội

16:30' - 26/02/2024
BNEWS Nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường kiểm tra kiểm soát địa bàn.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bắt đầu hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ thu hút đông đảo khách thập phương cả nước. Đây cũng là thời điểm nhiều gian thương lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Do vậy, từ trước Tết Nguyên đán, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã xây dựng kế hoạch cao điểm chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương về tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội.  

Là một trong những địa phương lớn của cả nước, vào giữa tháng 12 năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024 triển khai từ 15/12/2023 đến hết 15/3/2024. 

Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu Xuân, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách về vãn cảnh các đền chùa trên địa bàn, nhất là chùa Hương. Đây là một trong những công việc nhằm kịp thời xử lý những vấn đề về an toàn thực phẩm của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội trên địa bàn sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

 

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong những tháng đầu sau Tết Nguyên đán là dịp lễ hội Xuân nên lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, lực lượng chức năng sẽ kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Tương tự, thời điểm này tại địa bàn tỉnh Phú Thọ có diễn ra nhiều lễ hội như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Đền Lăng Sương, lễ hội đền Du Yến…. Trong thời gian diễn ra lễ hội, có các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng quán tham gia kinh doanh phục vụ tại lễ hội trở nên sôi động. 

Để góp phần đảm bảo bình ổn thị trường, người tiêu dùng được mua sắm, sử dụng hàng hóa an toàn sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động áp dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và Ban Tổ chức Lễ hội để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, ký cam kết tại khu vực diễn ra các lễ hội Xuân. Việc này nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm và phát sinh các hành vi cá cược ăn tiền mang tính chất cờ bạc, mê tín dị đoan, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… trong dịp lễ hội.

Chia sẻ về việc kiểm tra an toàn thực phẩm, ông Tô Vũ Đức, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1-Cục Quản lý thị trường Cao Bằng bày tỏ, địa bàn Đội Quản lý thị trường số 1 phụ trách từ ngày 5 tháng Giêng đến nay diễn ra 10 lễ hội lớn nhỏ. Vì vậy, Đội thường xuyên cử công chức phối hợp với các ngành chức năng như công an, văn phòng UBND các huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Kết quả Đội Quản lý thị trường số 1, tổ chức tổ chức tuyên truyền, ký cam kết trên 100 lượt cơ sở kinh doanh.

Tại địa bàn phía Nam, nhiều địa phương cũng đang bước vào mùa lễ hội. Tại các khu tham quan, du lịch… cơ sở ăn uống đua nhau mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Điển hình như tại Tây Ninh xung quanh các địa điểm nổi tiếng như: Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tháp cổ Bình Thạnh... hàng quán mọc lên như nấm. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống có đăng ký vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, xe đẩy, gánh hàng rong bán các loại thực phẩm, nước giải khát… không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và huyện Gò Dầu. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm giám sát tại 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; trong đó, có 3 cơ sở hoạt động dưới hình thức buffet.

Hay tại Bình Dương, xung quanh các cung đường gần Miếu Bà, chùa Tây Tạng, chùa Ông Ngựa (TP. Thủ Dầu Một) tiệm bánh, khoai tây chiên, kem dừa mọc lên khá nhiều. Các dịch vụ ăn uống này mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, chưa đủ điều kiện an toàn nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn thường trực. Vì thế, việc kiểm tra vẫn được thực hiện thường xuyên nhằm tránh những sơ suất dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tạo dựng niềm tin với khách thập phương.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, các vụ buôn bán thực phẩm bẩn đã liên tiếp xuất hiện nhưng do lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục thu gom và kinh doanh thực phẩm bẩn để trục lợi. Một số điểm kiểm soát cũng đã phát hiện một kho mỡ bẩn tại thôn Thụy Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín. Bên trong kho là nội tạng và mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo về việc nhiều đối tượng đã lợi dụng thời điểm mùa lễ hội để tuồn hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ. Do đó, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh mua phải thực phẩm bẩn trà trộn.

Đơn cử, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2- Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã lập biên bản đối với ông Đinh Nguyên Thiệu tại Khu dân cư Tống Xá, phường Thái Thịnh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện trên phương tiện vận chuyển thực phẩm tươi sống là sản phẩm động vật, gia cầm gồm 300kg xương lợn, 400kg mỡ lợn, 100kg chân gà được chứa đựng trong hộp carton, túi nylon, bao dứa. Hơn nữa, toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Cùng đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai vừa phối hợp cùng Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra phát hiện một lô hàng thực phẩm gồm chân gà, thịt trâu… không rõ nguồn gốc. Còn tại địa bàn Thái Nguyên, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện trong kho có chứa 520kg chân gà nhập lậu (16 thùng chân gà rút xương loại 20 kg/thùng, 20 thùng chân gà loại 10 kg/thùng). Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đều có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài không nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có dòng chữ thể hiện số chân gà này có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. 

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ vi phạm; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng. 

Những vụ việc kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện về thực phẩm mà lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Con số này rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Chỉ ra nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh, trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn nên các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, nhất là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, quản lý thị trường xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, lực lượng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, quản lý thị trường sẽ kết hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm minh hành vi phạm pháp nhằm đảm bảo cho người dân sử dụng thực phẩm an toàn mùa lễ hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục