Siết quản lý và minh bạch về hoạt động đầu tư trong Luật Xây dựng sửa đổi

17:05' - 18/11/2019
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu xung quanh Luật Xây dựng sửa đổi.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Sáng 18/11, các đại biểu Quốc hội đã họp tổ bàn về sửa đổi Luật Xây dựng 2014 nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu xung quanh các giải pháp xây dựng nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư và đơn giản hoá các thủ tục trong Luật Xây dựng sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như tăng thêm tính răn đe tránh những trường hợp nhờn luật.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh): Đơn giản hoá cấp phép xây dựng
Nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ xảy ra tại các khu chung cư cao tầng, theo tôi nếu như chúng ta không có phương án xây dựng cơ bản thì khi cháy nổ xảy ra sẽ không thể di dời kịp. Bởi trên mỗi xe ô tô hoặc xe máy đều có xăng sẵn nên rất nguy hiểm.
Vì vậy, ý kiến đề xuất không để xe dưới hầm chung cư là điều cũng hợp lý trong điều kiện bối cảnh hiện nay; đồng thời cũng phải có phương án dần dần để hạn chế tới mức tối đa.
Tuy nhiên, với quỹ đất hạn hẹp như hiện nay, gần như mỗi doanh nghiệp đều tận dụng hết khoảng trống để xây dựng.
Do đó, ý kiến đề xuất ở đây mang tính dài hơi để khi những chung cư mới xây dựng chúng ta quan tâm và có những điểm đó chứ không thể gọi là hiện trạng giải quyết ngay thì rất khó.
Vì thế, giải pháp trước mắt là khắc phục dần thì còn những dự án sau này sẽ nghiên cứu vẫn trưng dụng nhưng phải tính toán phương án làm sao khả dĩ khi xảy ra và xử lý ngay.
Dự thảo sửa đổi lần này sẽ sửa đổi một số nội dung có liên quan đến Luật Xây dựng năm 2014. Do đó, trong nhiều vấn đề này được cụ thể hóa những văn bản chỉ đạo của Chính phủ để làm sao là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà nhất là vấn đề cấp phép xây dựng.
Hiện nay, quy trình cấp phép do 3 đơn vị khác nhau đảm nhận  và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cấp phép. Vậy nên, thời gian tới qua sửa đổi lần này, Chính phủ cũng đề xuất với Quốc hội và đại biểu cũng thảo luận làm sao để có thể rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra mà vẫn đảm bảo là không quá 1 lần như Thủ tướng chỉ đạo trong năm đối với một doanh nghiệp.
Mặt khác, phải làm sát và nhất là các dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này thì sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp để ngay từ đầu chấn chỉnh nếu như có những vấn đề phát sinh về vi phạm trong cấp giấy phép, vi phạm trong quá trình xây dựng thì sẽ xử lý ngay từ đầu và tại ngay cơ sở.
Đặc biêt, dự thảo Luật lần này sẽ điều chỉnh một số những điểm này chưa tương thích các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch kiến trúc, Luật Đầu tư công…
Tôi cho rằng lần này dự thảo Luật Xây dựng sẽ đưa ra những điểm mới như thế nhằm góp phần chấn chỉnh lại trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, cần điều chỉnh Luật cho phù hợp với tình trạng quy hoạch chạy theo dự án đang xảy ra tại một số địa phương.
Đây là điều hết sức bất cập mà hy vọng lần này thì khi xây dựng Luật Quy hoạch cùng với sửa đổi Luật Xây dựng lần này, kể cả quy hoạch đô thị nông thôn sẽ có một số nội dung điều chỉnh để thiết kế các công trình xây dựng thì phải đảm bảo quy hoạch từ trước chứ không phải là quy hoạch sẽ chạy theo dự án. Chính vì thế, lần này Luật Xây dựng sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với Luật Quy hoạch và một số nội dung khác.
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định): Khắc phục những hạn chế của Luật Xây dựng 2014
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Luật Xây dựng ban hành năm 2014 và đến nay đã bộc lộ một số vấn đề bất cập. Do đó, Luật Xây dựng sửa đổi lần này sẽ tập trung khắc phục những vấn đề như cấp phép cho những toà nhà dưới 7 tầng và dưới 500m2 thông thoáng hơn và những vùng đất quy hoạch theo quy định…
Tôi thấy dự thảo Luật Xây dựng lần này cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhưng vẫn cần phải đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, việc thực thi Luật Xây dựng chưa chặt chẽ nên vi phạm xây dựng diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn như về chiều cao hoặc thay đổi công năng nên Luật Xây dựng lần này cần tập trung quy định chặt chẽ hơn
Tuy nhiên, Luật cần đưa ra độ mở nếu không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của thành phố.
Hơn nữa, thời gian qua khung hình phạt đối với các trường hợp vi phạm vẫn còn quá nhẹ nên sinh ra nhờn luật. Ngoài ra, nếu đập bỏ thì lại gây tốn kém nên trong việc xây dựng bây giờ vai trò giám sát của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng chính quyền địa phương rất quan trọng.
Do đó, cần  ngăn chặn việc làm sai ngay từ đầu và phạt ngay từ lúc công trình chớm vi phạm với một mức cao sẽ răn đe được các trường hợp khác, tránh tình trạng thông đồng từ thanh tra xây dựng cấp cơ sở để đến khi phạt thì sự đã rồi.
Theo tôi, Luật Xây dựng sửa đổi sẽ giúp minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng như quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, Luật Xây dựng cũng đã tiếp thu ý kiến các đại biểu để đồng bộ với các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng chuẩn bị sửa đổi lần này.
Mặt khác, dự thảo Luật Xây dựng lần này thì cũng nên bám sát vào Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua. Chính vì vậy, các địa phương nên có quy hoạch của từng vùng sau đó Luật Xây dựng nên bám sát vào đó.
Đơn cử như trong việc lập quy hoạch xây dựng nhà ở vùng đó sẽ có mẫu chuẩn về chiều cao hay mẫu thiết kế nên nếu người dân dựa vào đó triển khai thì cơ quan chức năng cũng không nên có giấy phép quá rườm rà khi mà họ đã xây dựng theo mẫu đã được quy hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục