Singapore với những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu

05:30' - 23/03/2022
BNEWS Do quy mô của nền kinh tế trong nước, các công ty có trụ sở ở Singapore từ lâu đã được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để khám phá các thị trường mới và mở rộng hoạt động.

Theo bài viết trên báo The Business Times, do quy mô của nền kinh tế trong nước, các công ty có trụ sở ở Singapore từ lâu đã được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để khám phá các thị trường mới và mở rộng hoạt động.

Ngân sách 2022 của Singapore đã công bố một sáng kiến mới có tên gọi Các doanh nghiệp toàn cầu Singapore nhằm mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương lớn hơn tăng quy mô và đầu tư ra nước ngoài. Sáng kiến này được đưa ra cùng với một chương trình phát triển nhân tài mang tên Chương trình điều hành toàn cầu của Singapore.

Mặc dù những sáng kiến này sẽ rất hữu ích để giúp các công ty địa phương xử lý nhiều biến số mà họ có thể gặp phải khi mạo hiểm đầu tư ra nước ngoài, nhưng một lĩnh vực mà các doanh nghiệp cần giúp đỡ là tìm ra các giải pháp để giảm thiểu các điểm tắc nghẽn của chuỗi cung ứng có thể phát sinh từ những sự gián đoạn trong tương lai.

Xu hướng mở rộng ra nước ngoài

Đại dịch COVID-19 đã không cản trở được các công ty Singapore tìm cách mở rộng ra nước ngoài. Theo khảo sát hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp người Hoa tại Singapore (SCCCI), 59,7% thành viên của họ có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong năm 2021, so với 50,7% trong năm 2020. Ba thị trường quan trọng hàng đầu của họ là Trung Quốc (43%), Malaysia (36,6%) và Indonesia (33,2%).

SCCCI nhấn mạnh rằng các nền tảng thương mại điện tử có hiệu quả trong việc mở rộng công việc kinh doanh của các công ty ra nước ngoài, tạo điều kiện cho tất cả các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tiếp cận được với cơ sở khách hàng toàn cầu. Tuy nhiên, việc giao hàng là vấn đề rắc rối thực sự do sự tắc nghẽn trong các mạng lưới chuỗi cung ứng.

Singapore là một đầu mối và trung tâm trung chuyển vận tải lớn trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. Sân bay Changi và các cảng biển của Singapore luôn hoạt động hiệu quả và có thể xoay vòng việc giao hàng trong vòng vài giờ.

Tuy nhiên, ngay cả các cơ sở này cũng đã không thể chống chọi nổi với những sự tắc nghẽn do đại dịch COVID-19 gây ra. Là một đầu nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gián đoạn ở Singapore sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới và có thể khiến các doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng đình trệ. Singapore, là một nền kinh tế theo hướng xuất-nhập khẩu, cũng dễ bị tổn thương trước những sự gián đoạn như vậy.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực logistics do làn sóng các ca mắc mới và những quy định về y tế công cộng. Lượng hàng hóa chất đống tại các cảng biển của Singapore vào cuối năm 2021 và sân bay Changi trong dịp Tết nguyên đán 2022 đã cho thấy tất cả các bên liên quan cần phải lập kế hoạch mang tính chiến lược hơn.

Trong lĩnh vực hàng hải, công ty PSA Singapore đã phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn ở cảng của Singapore đầu năm 2021 do những sự tắc nghẽn về chuỗi cung ứng toàn cầu. Để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn, PSA đã tiếp nhận nhân lực mới từ các nước phi truyền thống như Thái Lan và Ấn Độ. PSA cũng kích hoạt lại một số công suất không hoạt động tại cảng Brani và Keppel.

Đối với dịch vụ hậu cần vận tải hàng không, sân bay Changi đã phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trong việc thông quan hàng hóa vào đầu năm 2022. Điều này là do sự gia tăng hàng hóa vận tải hàng không do nghỉ lễ Tết nguyên đán và sự lây nhiễm COVID-19 trong nhân viên dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực.

Để giải quyết vấn đề này, bộ phận xử lý mặt đất SATS đã sử dụng các biện pháp khuyến khích nhân viên không nghỉ lễ để đi làm, bố trí lại nhân viên nhằm hỗ trợ trong các quy trình công việc quan trọng và sử dụng không gian trữ hàng bổ sung của các bộ mặt mặt đất khác.

Sự chậm trễ trong việc thông quan đã dẫn đến phản ứng dây chuyền dọc theo mọi bộ phận của chuỗi cung ứng toàn cầu từ các nhà khai thác vận tải, nhà xử lý hàng hóa đến nhà cung cấp logistics, đơn vị lưu kho và nhà cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối.

Các lĩnh vực như sản xuất chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã bị ảnh hưởng bởi những sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này được phản ánh bởi chỉ số giá đầu vào cao ở mức 51,7 – mức cao nhất kể từ năm 2017 khi chỉ số này ở mức 51,8.

Là một phần của phản ứng tập thể, Chính phủ Singapore khởi động Sáng kiến chuỗi cung ứng 4.0 trị giá 18 triệu SGD nhằm mục đích tích hợp nhiều công nghệ hơn để giúp đỡ các SME. Sáng kiến này bao gồm phát triển các giải pháp số và tự động như trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp cho việc lập kế hoạch logistics.

Thiết lập một chuỗi cung ứng bền bỉ

Để vượt qua được những thách thức này trong tương lai, chuỗi cung ứng của Singapore cần phải xây dựng được khả năng bền bỉ. Điều này đòi hỏi phải có sự cộng tác chặt chẽ hơn của tất cả các bên liên quan trong toàn bộ mạng lưới chuỗi cung ứng.

Các bên liên quan phải linh hoạt và thích ứng trong việc lập kế hoạch nhân lực, tìm nguồn cung từ các nhà cung cấp và lựa chọn cảng biển và/hoặc cảng hàng không mà họ sẽ sử dụng để giao hàng. Dữ liệu thời gian thực tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi lộ trình của các lô hàng là điều cần thiết để các nhà lập kế hoạch có một chiến lược tổng thể nhằm khắc phục những sự tắc nghẽn trong các mạng lưới chuỗi cung ứng.

Với khả năng giám sát dữ liệu và việc lập kế hoạch tốt hơn, tự động hóa và những phương thức giao hàng mới có thể là những giải pháp tiềm tàng. Ví dụ, ở Singapore đang có hai sự đổi mới then chốt. Thứ nhất, trong phát triển bất động sản, thương mại điện tử sẽ cung cấp cho các dự án phát triển mới khả năng thiết lập kế hoạch và dự đoán các chi phí bổ sung. Thứ hai, những phương thức giao hàng mới đã được thử nghiệm như sử dụng thiết bị bay không người lái. Thiết bị bay không người lái đã được thử nghiệm để giao hàng đến các hòn đảo ngoài khơi và các tàu neo đậu ở các cảng và vùng biển của Singapore.

Các xu hướng trước đại dịch COVID-19 cũng đang được đảo ngược để xây dựng khả năng bền bỉ cho các chuỗi cung ứng và giúp chúng trở nên linh hoạt hơn. Ví dụ, đưa cơ sở sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm nhân lực và các chi phí kinh doanh khác từng được các nhà sản xuất tìm kiếm rất nhiều.  

Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, việc đưa sản xuất về trong nước và địa phương hóa sản xuất hay lựa chọn các nhà cung cấp thay thế trong khu vực có thể là lựa chọn thận trọng hơn. Sự thay đổi trong tư duy chiến lược được nhấn mạnh là "lập kế hoạch toàn cầu nhưng lấy nguồn lực địa phương". Đối với các yếu tố đầu vào quan trọng ở nước ngoài như chip nhớ, mô hình sản xuất tức thời để tiết kiệm chi phí đã được thay thế bằng mô hình đề phòng cho những sự gián đoạn trong tương lai.

Trong quá trình mạo hiểm đầu tư ở nước ngoài, dù trên thực tế hay tận dụng các nền tảng thương mại điện tử khi đặt trụ sở ở Singapore, các công ty cần hiểu được các mạng lưới chuỗi cung ứng có liên quan như thế nào đến các mô hình kinh doanh của họ. Những sự gián đoạn giao hàng cho khách vì những cú sốc bên ngoài đối với các chuỗi cung ứng của họ sẽ làm tổn hại đến thương hiệu và uy tín của công ty./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục