Sinh viên quốc tế tại Australia - Bài 1: Khó khăn trong đại dịch

09:10' - 14/04/2020
BNEWS Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, việc học tập và sinh hoạt của sinh viên quốc tế tại Australia bị ảnh hưởng nặng nề, dù phía Australia đã có một số biện pháp hỗ trợ.

Giáo dục từ lâu đã là một ngành mang lại nguồn thu khổng lồ cho các trường đại học cũng như cả nền kinh tế Australia.

Theo thống kê của Chính phủ Australia, sinh viên quốc tế đóng góp tới 39 tỷ AUD (khoảng 20,5 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này trong năm 2019.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, việc học tập và sinh hoạt của sinh viên quốc tế tại Australia bị ảnh hưởng nặng nề, dù phía Australia đã có một số biện pháp hỗ trợ.

Chùm 3 bài "Sinh viên quốc tế tại Australia" gồm bài 1: Khó khăn trong đại dịch; bài 2: Thiếu quy định hỗ trợ thống nhất; bài 3: Tiếp sức cho du học sinh Việt Nam, phản ảnh cụ thể về tình hình sinh viên quốc tế tại Australia, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bài 1: Khó khăn trong đại dịch

Nguyễn Hoàng Linh là sinh viên đại học năm thứ ba tại Australia. Trong năm cuối của chương trình, Linh chỉ phải hoàn thành một kỳ học nữa và sau đó là khoảng thời gian đi thực tập, chờ tốt nghiệp. Đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đã lấy đi hầu hết các cơ hội kiếm được việc làm của Linh, khiến em phải suy nghĩ tới việc hoạch định lại tương lai cho mình.

Linh chia sẻ gia đình đã rất cố gắng đảm bảo tài chính để em có thể theo học tại Australia, nhưng giờ đây khi bước vào giai đoạn thực tập, Linh sẽ phải tự lo kiếm thêm thu nhập nếu muốn tiếp tục theo đuổi ước mơ riêng. Linh đã đi làm thêm tại một nhà hàng bán đồ ăn nhanh từ hơn một năm nay, công việc này phần nào giúp em bổ sung thêm nguồn thanh toán chi phí cho cuộc sống nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa hạn chế tiếp xúc khiến nhà hàng nơi Linh đang làm buộc phải đóng cửa và cho nhân viên tạm nghỉ không lương. Mất việc, đồng nghĩa không có thu nhập, trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí và thậm chí cả tiền học, đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho Linh.

Peter Wang, sinh viên người Singapore học đại học năm thứ hai tại Australia, cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Đại dịch đã khiến Wang phải nghỉ công việc làm thêm và không thể đủ chi phí trang trải cuộc sống. Wang tâm sự: “Tôi đã cố gắng thuyết phục chủ nhà cho phép trả chậm và đã được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, còn rất nhiều các loại chi phí khác từ tiền mua thực phẩm, tiền đi lại, Internet… chưa biết tôi sẽ phải xoay sở như thế nào nếu đại dịch tiếp tục kéo dài”.

Nguyễn Hoàng Linh hay Peter Wang chỉ là hai trong số rất nhiều sinh viên quốc tế tại Australia đang bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19. Tất cả các sinh viên này, hơn ai hết, rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của các trường đại học, cộng đồng và Chính phủ Australia.

Tuần trước, quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge đã công bố người nước ngoài tạm trú tại Australia đang gặp khó khăn tài chính do đại dịch được truy cập và rút tiền từ Quỹ hưu trí của mình, với tổng giá trị không quá 10.000 AUD (tương đương 6.000 USD).

Đây được xem là biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Australia đặc biệt dành riêng cho người nước ngoài  và sinh viên quốc tế trong bối cảnh đại dịch đang gây khó khăn kinh tế.

Ông Tudge cũng cho biết giới hạn 40 giờ làm việc mỗi hai tuần đối với sinh viên quốc tế sẽ được nới lỏng để cho phép họ làm việc nhiều giờ hơn, nếu họ làm trong ngành chăm sóc người cao tuổi hay điều dưỡng, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với sinh viên quốc tế làm việc trong những siêu thị lớn của Australia cho đến ngày 1/5.

Tuy nhiên, cộng đồng người nước ngoài và sinh viên quốc tế cho rằng những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Australia là chưa đủ.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Tweeter, Hội đồng Sinh viên quốc tế Australia (CISA) kêu gọi các đại sứ quán, tổng lãnh sự và các ủy ban cao cấp nước ngoài tại Australia cần chung tay hỗ trợ kêu gọi chính phủ nước này bổ sung thêm các biện pháp giúp đỡ tài chính và cung cấp các gói phúc lợi dành riêng cho sinh viên quốc tế.

Theo tuyên bố của CISA, nhiều sinh viên quốc tế đã bị cho nghỉ việc, thời gian làm việc bị cắt giảm nghiêm trọng và mất đảm bảo  an ninh việc làm. Nhiều sinh viên hiện phải sống bằng tiền tiết kiệm vốn đang cạn kiệt nhanh chóng. Trong thời điểm khó khăn chưa từng thấy như hiện nay, sinh viên quốc tế bị rơi vào tình huống bị động, một số không thể trở về quê hương do các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới, cũng như không thể tự nuôi sống bản thân. Sinh viên quốc tế đang rất căng thẳng để kiếm sống và mong muốn được giúp đỡ.

Đồng hành với cộng đồng sinh viên quốc tế, Liên đoàn Giáo dục quốc gia Australia (NTEU) cũng đã lkêu gọi Chính phủ Australia cần xem xét các biện pháp hỗ trợ tài chính cho du học sinh.

Chủ tịch NTEU, Tiến sỹ Alison Barnes, lưu ý sinh viên quốc tế đóng góp tới 26% thu nhập cho các trường đại học tại Australia trong năm 2018, nhưng trong bối cảnh “tồi tệ như hiện nay”, chính phủ lại không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp nào dành cho nhóm đối tượng này.

Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia (ANU) Brian Schmidt cho rằng các trường đại học của Australia sẽ "thay đổi vĩnh viễn" bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 và cần phát triển một hệ thống giáo dục đại học mới khi doanh thu từ sinh viên quốc tế cạn kiệt.

Theo Tiến sỹ Schimidt, giáo dục quốc tế đã có sự tăng trưởng bùng nổ ở Australia trong những năm gần đây và doanh thu xuất khẩu giáo dục trở thành trụ cột cho nguồn ngân sách của các trường đại học, đóng góp lớn vào GDP quốc gia.

Tác động từ COVID-19 sẽ khiến các trường đại học Australia thiệt hại từ 3-4,6 tỷ AUD (tương đương 1,8 – 2,76 tỷ USD) và sự hỗ trợ của chính phủ là rất quan trọng để bảo vệ khả năng tồn tại của các tổ chức giáo dục trong nước.

Các sinh viên quốc tế cần phải nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ phía chính phủ nước sở tại để họ thấy rằng đã lựa chọn đúng khi quyết định bỏ một khoản chi phí lớn đến đây học tập.

Tiến sỹ Schmidt cảnh báo nếu không quản lý tốt, Australia sẽ phải đối mặt với hiện tượng “chảy máu” tài nguyên cho các quốc gia khác như Mỹ, Anh và Canada, nơi có các chính sách hỗ trợ và ưu tiên tốt hơn dành cho sinh viên quốc tế.

Chủ tịch Nhóm đại diện các trường đại học Australia (UA), bao gồm 39 trường, Tiến sỹ Deborah Terry cho biết các trường đại học đã cố gắng làm việc để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý nhất dành cho sinh viên trong nước và cả quốc tế, nhưng sẽ cần thêm sự giúp đỡ từ chính quyền tiểu bang và liên bang.

Bà nói nhiều sinh viên đang phải vật lộn để trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm. Giúp đỡ các sinh viên quốc tế cũng chính là giúp đỡ ngành giáo dục Australia và lấp đầy lỗ hổng do đại dịch gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục