Số ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng ở Hà Nội

12:54' - 15/10/2016
BNEWS Theo Sở Y tế Hà Nội, một số bệnh lại có xu hướng gia tăng như bệnh tay chân miệng ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã với số ca mắc nằm rải rác, không tập trung thành ổ dịch lớn.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng ở Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN
Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhờ chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố nên 9 tháng đầu năm 2016, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi và sốt phát ban nghi sởi, ho gà, viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản, uốn ván… đều giảm so với cùng kỳ năm 2015. 

Tuy nhiên, một số bệnh lại có xu hướng gia tăng như bệnh tay chân miệng ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã với số ca mắc nằm rải rác, không tập trung thành ổ dịch lớn. 

Để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra, ngành y tế đã triển khai công tác tiêm chủng đảm bảo chất lượng, 84,9% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin: Lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hip và sởi; 82,2% phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng uốn ván; 88,5% trẻ từ 18 đến 23 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi – rubella… Thành phố đã tổ chức các lớp đào tạo để cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận An toàn tiêm chủng; tập huấn sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh cho các cán bộ y tế chuyên trách tiêm chủng của các quận, huyện, thị xã. 

Hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết được tăng cường nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của người dân trong việc phòng bệnh. Tính đến hết tháng 9/2016, toàn thành phố đã tổ chức 777 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, hướng dẫn người dân diệt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi nhằm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. 

Công tác kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt cũng được tổ chức thường xuyên; việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước tại các khu chung cư, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học và hình thức cấp nước hộ gia đình của các quận, huyện, thị xã diễn ra theo định kỳ, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho người dân. Đồng thời, các ngành chức năng thành phố cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm về vệ sinh nguồn nước theo đúng Thông tư 50 của Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng cũng được ngành y tế Hà Nội duy trì, thực hiện tốt. Hà Nội đã và đang xây dựng mạng lưới điều tra, giám sát phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng từ thành phố đến cơ sở, đáp ứng và duy trì các hoạt động khám, sàng lọc, tư vấn và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại 584 xã, phường, thị trấn; mở các lớp đào tạo, tập huấn, giám sát hỗ trợ các quận, huyện, thị xã; đồng thời tổ chức các buổi truyền thông về các yếu tố nguy cơ, chế độ dinh dưỡng cho người tăng huyết áp và đái tháo đường… 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, để công tác y tế dự phòng đạt kết quả cao, thời gian tới, các đơn vị trong ngành cần củng cố đội ngũ cán bộ phòng chống dịch, đặc biệt là các đội phòng chống dịch cơ động; rà soát lại các phương tiện, trang thiết bị phòng chống dịch; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, trọng điểm không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tự thu gom rác thải, diệt muỗi, diệt bọ gậy để phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, xử lý tốt các phản ứng sau tiêm chủng, tuyên truyền để người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục