Số ca tử vong do COVID-19 tại TP. HCM giảm, đỉnh dịch liệu đã qua?

20:16' - 11/09/2021
BNEWS Chiều 11/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, số ca tử vong liên tục giảm, xuống dưới 200 người/ngày.

Chiều 11/9, tại cuộc họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, số ca tử vong liên tục giảm, xuống dưới 200 người/ngày chỉ là biểu hiện về hiệu quả điều trị của ngành y tế chứ chưa thể nói rằng đỉnh dịch COVID-19 đã qua đi.

Theo bác sĩ Tâm, đỉnh dịch căn cứ vào số ca F0 mới trong ngày chứ không dựa trên số người tử vong trong ngày.

Số người tử vong trong ngày giảm những ngày qua là một tín hiệu tốt. Trong ngày 10/9 có 188 trường hợp tử vong, giảm 7 ca so với ngày 9/9, giảm 15 ca so với ngày 8/9 và giảm 80 ca so với ngày 7/9.

Cũng trong ngày 10/9, đã có 3.392 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1 đến ngày 10/9 là 147.416).

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (dùng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Thành phố đã tiêm được 7.535.598 mũi vaccine phòng COVID-19.

Cũng tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết, tính đến ngày 10/9 có 908 ca F0 khỏi bệnh được ngành y tế phân bổ về các đơn vị, bệnh viện để tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch trên tổng số 1.700 người đã đăng ký.

Những người này được trang bị đầy đủ các trang bị phòng hộ và hưởng đầy đủ các chế độ đối với tình nguyện viên. Các sở liên quan đang tham mưu cho UBND thành phố để tiếp tục có các hỗ trợ cụ thể.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Phòng Tham mưu Công an thành phố, cho biết, Bộ Công an đã triển khai app VNEID trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia. So với các ứng dụng khác, ứng dụng này có ưu điểm là tính xác thực về mặt nhân thân.

Hiện tại, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ứng dụng VNEID vào quy định về kiểm soát lưu thông trên đường, mong người dân lưu ý.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Để thực hiện điều này, thành phố đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia và của thành phố: mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời, đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.

Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố (”Y tế HCM”) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch.

Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Ngoài ra, về việc người dân đã tiêm vaccine nhưng chưa được cập nhật thông tin hoặc thông tin tiêm bị sai, ông Từ Lương cho biết, người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế đã tổ chức huy động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cũng như các phản ánh của người dân đã gửi về HCDC. Việc này không ảnh hưởng lộ trình cấp thẻ xanh theo kế hoạch chung của thành phố.

Liên quan đến phản ánh về việc trong suất ăn của Bệnh viện Dã chiến số 8 (thành phố Thủ Đức) có sâu, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban An toàn thực phẩm thành phố, cho biết, trưa 9/9, một điều dưỡng dùng suất ăn trưa và phát hiện có sâu nên đã báo cáo với lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 8.

Việc kiểm tra, xác minh cho thấy, trong thành phần ăn kèm của suất ăn này là dưa leo (dưa chuột) có sâu, ngoài ra không có trường hợp nào tương tự. Bệnh viện Dã chiến số 8 đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục