Số hóa để mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP

08:07' - 13/10/2024
BNEWS Đến nay, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bình Phước hiện có 136 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao đến 5 sao; trong đó có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 55 sản phẩm hạng 4 sao, 78 sản phẩm đạt hạng 3 sao với 83 chủ thể tham dự, gồm: 37 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 29 hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh. Sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại như nông sản tươi, nông sản chế biến, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ…

Thúc đẩy số hóa hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: K GỬI H-TTXVN
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, để chuẩn hóa quy trình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyển đổi số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Cụ thể, Sở hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng công nghệ tưới phun sương tự động bằng smartphone và hướng dẫn chăm sóc, cách phòng trị sâu bệnh xuất hiện trên cây sầu riêng theo giai đoạn sinh trưởng phát triển. Cùng đó, Sở triển khai, hướng dẫn sử dụng phần mềm Facefarm cho hợp tác xã; số hóa dữ liệu hợp tác xã trên Facefarm công nhận sản phẩm OCOP, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ...; bản đồ hóa cơ sở canh tác, sản xuất, xây dựng nhật ký sản xuất; truy xuất được nguồn gốc bằng QRCode, đáp ứng dữ liệu cấp mã số vùng trồng.

 

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

 

Sở thu thập thông tin, vùng trồng sầu riêng, chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp; vận động các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, có 54.537 tổ chức, cá nhân có tài khoản với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán trên 2 sàn https://postmart.vn; https://voso.vn. Đồng thời, Sở hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh trên các Sàn thương mại điện tử uy tín trong nước (Sendo, Shoppe, Lazada, Tiki) nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kinh doanh trên môi trường trực tuyến, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ được 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm trên sàn.

Để công tác số hóa sản phẩm nông nghiệp thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết sẽ tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng công nghệ 4.0, IoT, trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là số hóa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.

Mặt khác tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội…; tổ chức lớp tập huấn về phần mềm Facefarm cho nông dân hợp tác xã...

Về phía doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, ông Phạm Thụy Luân đề nghị cần tăng cường sản xuất theo chuỗi liên kết, canh tác theo hướng đa giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; tăng cường áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị cần năng động ứng dụng thương mại điện tử tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh hàng trực tuyến…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục