Số hóa quy trình khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân

07:30' - 10/04/2025
BNEWS Tại Thái Nguyên, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã đã và đang ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế, thực hiện trích chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng hạn.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ngành Y tế Thái Nguyên đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống Y tế thông minh, cá nhân hóa, lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại Thái Nguyên, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã đã và đang ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế, thực hiện trích chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng hạn.

Phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS), truyền tải và lưu trữ hình ảnh (RIS-PACS) ở mức cơ bản và nâng cao; 100% bệnh viện trên địa bàn đã triển khai hệ thống HIS để số hóa quy trình khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc… giúp giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian.

 

Hiện trên địa bàn có 5 đơn vị đã triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên. Ngành Y tế Thái Nguyên phấn đấu 100% bệnh viện và trung tâm y tế hai chức năng trên địa bàn triển khai bệnh án điện tử xong trước ngày 30/6.

Trong công tác khám, chữa bệnh, một số bệnh viện đã thực hiện tư vấn khám bệnh từ xa, kết nối với tuyến Trung ương (như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức) để hội chẩn hỗ trợ bệnh viện trong xử trí ca khó, giúp nâng cao năng lực của bác sĩ tại các đơn vị.

Ngoài ra, Bệnh viện A đã trực tiếp kết nối, tham gia hỗ trợ, hội chẩn cho các bệnh viện tuyến huyện như: Trung tâm Y tế Võ Nhai, Định Hóa… ; đồng thời, 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã triển khai ứng dụng đặt lịch khám online. Người dân có thể đặt lịch qua app, website của các cơ sở khám, chữa bệnh để giảm thời gian chờ đợi.

Bước đầu, một số bệnh viện trên địa bàn đã sử dụng AI hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y khoa (X-quang, MRI, CT-Scan, siêu âm); tích hợp AI vào hệ thống PACS để hỗ trợ bác sĩ đọc phim nhanh và chính xác hơn; AI hỗ trợ phân tích bệnh án, gợi ý phác đồ điều trị cá nhân hóa; AI trong phát triển y tế từ xa (Telemedicine) hỗ trợ bác sĩ hội chẩn qua nền tảng Telehealth giúp bác sĩ tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... Ngành Y tế phấn đấu năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tham gia “Bình dân học AI”. Mỗi cán bộ sử dụng ít nhất một công cụ AI ứng dụng vào công việc chuyên môn; mỗi đơn vị y tế có triển khai ứng dụng AI trong công tác quản lý, hoạt động chuyên môn...

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, khó khăn lớn trong thực hiện Đề án xây dựng hệ thống Y tế thông minh và chuyển đổi số của ngành Y tế Thái Nguyên là giá dịch vụ y tế chưa tăng, chưa kết cấu đầy đủ các thành phần, chưa kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào chi phí khám, chữa bệnh.

Do vậy, các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở thực hiện tự chủ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; trong khi đó lại cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị và hệ thống các phần mềm chuyên dụng. Việc triển khai ứng dụng AI hỗ trợ khám, chữa bệnh trong một số chuyên ngành còn khó khăn do cần có thiết bị công nghệ và kinh phí đầu tư cao.

Dữ liệu các nền tảng của hệ thống y tế quốc gia chưa đồng bộ và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ và đồng bộ giữa các hệ thống thông tin với nhau; thiếu nhân lực chuyên sâu như an ninh mạng, quản trị hệ thống… Khắc phục khó khăn, ngành Y tế Thái Nguyên phấn đấu tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong Y tế, thực hiện chuyển đổi số, bệnh án điện tử, liên tuyến dữ liệu y tế, Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID… giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, chất lượng, hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục