Số lượng các sản phẩm khoa học, công nghệ có khả năng thương mại hóa còn ít

23:02' - 03/11/2022
BNEWS Số lượng các sản phẩm có khả năng thương mại hóa còn ít so với số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học hoàn thành; khả năng đáp ứng về công nghệ, tài chính và các dịch vụ đi kèm chưa cao.

 Các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó tiếp cận với các sản phẩm thương mại hóa do thông tin chưa được giới thiệu rộng rãi trên các kênh hoặc mức độ phổ biến của các kênh không cao.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, thiết bị vướng phải rào cản về chính sách, cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng thương mại hóa. Đó là những khó khăn, rào cản hạn chế phát triển thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Bà Đỗ Thị Lượng, Giám đốc Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ISC) cho biết những rào cản gây nên hạn chế trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Thông tin trên được bà Đỗ Thị Lương, Giám đốc Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ISC) nêu lên tại hội thảo “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ”,  do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức chiều 3/11.

Thời gian qua, thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Cần Thơ từng bước được hình thành và phát triển rõ nét trên cơ sở phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật khoa học và công nghệ. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư, xây dựng mới một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ nhu cầu của thành phố, mà còn hỗ trợ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển thị trường khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ của thành phố vẫn còn nhiều điểm nghẽn như sự liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp chưa chặt chẽ, các đơn vị gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường…

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều giải pháp để phía cung và cầu sản phẩm, công nghệ và thiết bị gặp nhau. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Son, Trường Kinh tế (Trường Đại học Cần Thơ) đưa ra 4 giải pháp thúc đẩy và nâng cao thương mại hóa kết quả nghiên cứu sản phẩm khoa học công nghệ, thiết bị của các viện trường: Tổng kết đánh hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường tiếp cận với doanh nghiệp, nông dân; nghiên cứu thị trường định kỳ và thường xuyên; tăng cường liên kết chặt chẽ với các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Theo bà Đỗ Thị Lương, thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về thương mại hóa, xúc tiến thương mại các sản phẩm, công nghệ thông qua các kênh trực tuyến và trực tiếp nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức về vai trò thương mại hóa cũng như để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các sản phẩm, công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc thương mại hóa các sản phẩm.

Song song đó, Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp và các viện, trường, đơn vị nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm thương mại hóa với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhận chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu; đầu tư ngân sách cho việc đổi mới công nghệ, sử dụng các sản phẩm, công nghệ hình thành từ kết quả nghiên cứu.

Khẳng định thị trường khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố được đánh giá có điều kiện tốt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tiềm năng khoa học và công nghệ (nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất).

Trên  địa bàn thành phố có khoảng 73 đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với 7.455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, có những đơn vị hàng đầu của quốc gia và khu vực như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ… Đây là nền tảng để thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng như hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, thiết bị.

Cũng theo bà Trần Hoài Phương, cuối năm 2021, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố đến năm 2030; đồng thời hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Thành phố kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kết nối thị trường và thương mại hóa sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thông qua các đề án, dự án (đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ, đề án thành lập Khu công nghệ cao Cần Thơ, sàn giao dịch công nghệ vùng tại thành phố Cần Thơ...).

"Những nỗ lực trên sẽ góp phần thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", bà Hoài Phương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục