Sóc Trăng phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

09:54' - 21/02/2023
BNEWS Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng cho hay sẽ tiếp tục xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng đang triển khai đồng bộ các giải pháp huy động hiệu quả nguồn vốn chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

Để tiếp tục phát huy chính sách tín dụng ưu đãi, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường; duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh huy động tiền gửi dân cư tại các điểm giao dịch xã.

 
Cùng với việc huy động nguồn vốn, ngân hàng còn tiếp tục xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Toàn bộ nguồn vốn cho vay được chuyển về các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để phân bổ tới các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các phum, sóc, ấp, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác truyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn, đảm bảo đủ 3 tiêu chí hoạt động (đủ số thành viên, đủ vốn liếng, Tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế), thực hiện việc bình xét, đối tượng vay vốn chính sách công khai, dân chủ, hạn chế cho vay sai đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, tránh trục lợi. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến người dân.

Năm 2022, căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp trên giao, doanh số cho vay của Sóc Trăng đạt trên 1.441 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt trên 4.447 tỷ đồng, đạt 99,93% kế hoạch, tăng so với đầu năm 2021 là 468,5 tỷ đồng; có 152.209 khách hàng còn dư nợ và dư nợ bình quân 1 hộ là 29,2 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với ngày 31/12/2021. Mỗi xã quản lý bình quân gần 40,8 tỷ đồng dư nợ.

Việc lồng ghép cho vay từ các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đúng quy định; chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện kịp thời đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân... Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỉnh chỉ còn 15.139 hộ nghèo (tỷ lệ 4,54%); hộ cận nghèo là 26.242 hộ (tỷ lệ 7,87%)...

Điển hình vươn lên thoát nghèo từ chính sách tín dụng ưu đãi, gia đình anh Trần Sáng (dân tộc Khmer, ngụ ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) trước kia chỉ sống bằng nghề làm thuê, chi tiêu trong gia đình “thiếu trước hụt sau”. Từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, anh Sán đã đầu tư chăn nuôi.

Đến nay, gia đình anh có 5 con bò, mỗi năm thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rau sạch, cuộc sống của gia đình đã đổi thay, đã trả hết nợ vay ngân hàng và anh còn được bình bầu danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Tương tự, gia đình chị Thạch Thị Sà Vượt (dân tộc Khmer, ngụ xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) thuộc diện hộ nghèo. Sau khi vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chắc chắn để nuôi bò sinh sản kết hợp với trồng rau màu trên mảnh đất quanh nhà. Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, chị Sà Vượt đã chủ động làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục