Sóc Trăng tăng chuỗi giá trị thủy sản nước ngọt

10:15' - 06/12/2024
BNEWS Tại Sóc Trăng, những ngày này nhiều mô hình nuôi cá đăng quầng, cá lúa trong mùa nước của nông dân ở các vùng trũng đang vào vụ thu hoạch rộ.

Đây được xem là mô hình vừa mang lại thu nhập cao, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật cho vụ sản xuất lúa Đông – Xuân 2022-2025.

 

Những ngày này, nông dân ở phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang bước vào thu hoạch rộ mô hình cá đăng quầng, cá lúa. Gần 8 ha đất sản xuất lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Chung (Phường 2, thị xã Ngã Năm) không sản xuất vụ lúa Thu Đông thay vào đó thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng (bao lưới xung quanh ruộng lúa dự trữ cá thiên nhiên).

Anh Nguyễn Văn Chung (Phường 2, thị xã Ngã Năm) cho biết, gia đình nuôi cá đăng quầng gần 10 năm nay, trung bình hàng năm thu nhập gần 100 triệu đồng, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa vụ Thu Đông. Năm nay sản lượng cá ước đạt gần 2 tấn cá các loại như, các lóc, cá trê vàng, cá rô, cá sặc… ước thu nhập cũng gần 120 triệu đồng. Cũng theo anh Nguyễn Văn Chung, mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa chỉ tốn chi phí mua lưới bao xung quanh (một lần mua lưới có thể dùng cho 2-3 vụ) và công quản lý vào ban đêm nên chi đầu tư thấp.

Cách đó không xa, anh Ngô Văn Khải cũng thực hiện mô hình cá đăng quầng trên ruộng lúa với quy mô 5 ha. Theo anh Khải, do thổ nhưỡng vùng đất thấp (vùng trũng) sản xuất lúa Thu Đông thường xuyên bị ngập úng nên gia đình mới chuyển sang nuôi cá đăng quầng. Thời điểm thực hiện mô hình cá đăng quầng từ tháng 5 cho đến tháng 11, với thời gian nuôi khoảng 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Mô hình cá đăng quầng chủ yếu là tận dụng thức ăn trực tiếp trên ruộng lúa nên lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa, ước trong vụ nuôi năm nay trừ các khoản chi phí gia đình thu nhập gần 60 triệu đồng/5ha.

Ông Lê Hoài Phong, Phó Chủ tịch UBND Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho biết, địa phương có trên 200 ha thực hiện mô hình cá đăng quầng, cá lúa; mô hình có thời gian kéo dài nên cách ly nguồn dịch hại từ vụ sản xuất lúa Hè Thu đến vụ Đông Xuân; ngoài ra, phân cá còn giúp cho đất ruộng tơi sốp, giảm đi lượng phân bón cho vụ mùa, giúp nông dân giảm chi phí hơn 30% cho vụ sản xuất lúa. Thời gian tới địa phương tiếp tục khuyến cáo nông dân ở những vùng trũng, không đê bao kép kín không sản xuất lúa vụ Thu Đông thay vào đó thực hiện các mô hình nuôi cá đăng quầng, cá lúa nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm Võ Văn Bé cho biết, địa phương có diện tích sản xuất lúa trên 18.500 ha, trong năm chỉ làm 2 vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu (bắt đầu sản xuất từ tháng 11 đến cuối tháng 7 năm sau). Với địa hình vùng trũng, chính quyền thị xã tập trung khuyến khích nông dân đẩy mạnh thực hiện các mô sinh kế như, mô hình cá đăng quầng, mô hình cá lúa, khai thác thủy sản…

Cũng theo ông Võ Văn Bé, năm 2024, thị xã Ngã Năm có diện tích trên 3.500ha thực hiện các mô hình như cá đăng quầng, cá lúa (nhiều nhất của tỉnh Sóc Trăng)... Ước tổng sản lượng đánh bắt và khai thác hàng năm từ 12.000 - 14.000 tấn. Ngành chức năng đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng những sản phẩm chế biến từ cá đồng (cá nước ngọt), hiện tại, địa phương có 13 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt chuẩn 3 sao từ cá đồng (cá nước ngọt).

Doanh nghiệp Tâm Đức Tín (thị xã Ngã Năm) là đơn vị sản xuất các sản phẩm từ cá đồng ở địa phương. Theo anh Trần Quốc Hùng, Giám đốc doanh nghiệp Tâm Đức Tín, hiện nay doanh nghiệp có trên 20 sản phẩm khô, mắm từ cá đồng như, khô cá lóc, khô cá sạch, khô cá phi, khô cá trạch... và có 2 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao (khô cá lóc nhà màng, mắm cá rô không xương) đang được thị trường ưa thích.

Anh Trần Quốc Hùng, Giám đốc doanh nghiệp Tâm Đức Tín cho biết, với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, hàng năm doanh nghiệp thu vào trên 5 tấn cá để sơ chế ra sản phẩm đặc trưng để bán trên thị trường các tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc. Để đảm bảo chất lượng sản xuất, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà màng (nhà lưới trách côn trùng) để phơi khô, khô đông lạnh để bảo quản sản phẩm sạch đạt chất lượng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, mô hình nuôi cá đồng kết hợp trong ruộng lúa tại vùng trũng là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi vụ lúa Thu Đông sang những mô hình phù hợp như cá đăng quầng, cá lúa,… để nâng cao hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự án “Phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng”. Đây được xem động lực quan trọng để các địa phương vùng trũng phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, đưa hoạt động nuôi cá nước ngọt trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục