Sóc Trăng xử lý thực vật lạ trong dân

16:37' - 03/08/2017
BNEWS Qua khảo sát mẫu cây và đối chiếu với các tài liệu có được, có thể xác định sơ bộ, loài thực vật lạ này là một loài lúa hoang thuộc chi Zizania được trồng ở Đài Loan (Trung Quốc).

Theo ông Vũ Bá Quan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, gần đây, ngành nông nghiệp huyện phát hiện một số hộ dân ở ấp Hậu Bối, xã Đại Hải, huyện Kế Sách trồng một loại cây “lạ” giống cây lúa, cao khoảng 2 mét.

Qua khảo sát mẫu cây và đối chiếu với các tài liệu có được, có thể xác định sơ bộ, loài thực vật lạ này là một loài lúa hoang thuộc chi Zizania được trồng ở Đài Loan (Trung Quốc), trong khi lúa trồng và lúa hoang thường thấy ở Việt Nam thuộc chi Oryza. Cả hai chi Oryza và Zizania đều thuộc họ hòa bản (Poaceae).

Tại Việt Nam cũng có trồng loại cây này khá nhiều ở miền Bắc và miền Trung với tên gọi là cây Niễng.

Một hộ dân trồng loại cây này nhiều ở ấp Hậu Bối (Đại Hải) cho biết, hơn 1 năm trước, người thân của gia đình khi ăn tiệc tại nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thức ăn xào ngon như rau nên xin gốc cây còn dính rễ để về nhân giống.

Từ những tép giống ban đầu, gia đình nhân rộng ra khoảng 1.000 m2, xung quanh là ruộng lúa.

Khi ngành nông nghiệp phát hiện có một số bụi đã ra bông. Theo kế hoạch, gần 2 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch, phần lấy được là thân đọt non (gọi là củ hũ).

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết, sau khi lấy mẫu khảo sát đã xác định đây là cây tre nước của Đài Loan. Loại cây này phát triển tốt ở điều kiện đất bị ngập nước.

Nông dân Đài Loan còn gọi tre nước là "tre chân trắng" hoặc "những chân của mỹ nhân" do xuất phát đặc điểm về hình dáng và màu sắc của loài thực vật này.

Tre nước ở Đài Loan (Trung Quốc) được thu hoạch vào mùa hè và thu. Thực vật này được trồng để thu hoạch đoạn thân gần gốc, dùng ăn tươi hay chế biến các món ăn như rau trong mùa bão.

Trước việc xuất hiện loài thực vật lạ ở Sóc Trăng, dù là tre nước hay cây niễng thì cũng là trồng trái phép vì cây được di thực không tuân thủ theo quy định, trồng ở đất lúa, chưa qua kiểm dịch, nghiên cứu, khảo nghiệm trước khi đem trồng ở vùng khác.

Cũng theo ông Vũ Bá Quan, trước mắt, trong khi chờ đợi kết luận, ý kiến chỉ đạo từ các nhà khoa học, nhà quản lý, biện pháp tạm thời được ngành nông nghiệp thực hiện là cắt bỏ tất cả các bông sắp hoặc đang trổ, chỉ chừa lại 10 bông được bao bằng giấy chuyên dùng để khảo sát về cấu tạo hạt, khả năng sinh sản bằng hạt của cây.

Đây là một trong các cơ sở để định danh chính xác loài thực vật lạ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục