Sôi động hoạt động niêm yết cổ phiếu đầu năm 2022

16:36' - 05/01/2022
BNEWS Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến sôi động, cổ phiếu thu hút được dòng tiền lớn và tăng giá mạnh, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ “thời cơ vàng” để lên sàn hoặc chuyển sàn giao dịch.
Bên cạnh đó, năm 2022 hoạt động thoái vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.
*Xếp hàng chờ lên sàn
Trong những ngày cuối năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp và quỹ đầu tư được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng giấy chứng nhận niêm yết.
Theo quy định tại Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức được chấp thuận niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận.
Nếu sau thời hạn này, doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết mà không đưa vào giao dịch thì quyết định chấp thuận của Sở giao dịch chứng khoán mặc nhiên hết hiệu lực. Như vậy trong quý I/2022, sẽ có thêm hàng tỷ cổ phiếu giao dịch trên HOSE.
Ngày 30/12/2021, có 16,5 triệu cổ phiếu GMH của Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị cũng được HOSE chấp thuận niêm yết. Dự kiến ngày 12/1 sẽ là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này tại sàn HOSE.
Công ty cổ phần Minh Hưng Quản Trị được thành lập từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đông Trường Sơn (tên cũ là Công ty Xi măng Quản Trị). Hiện ngành nghề kinh doanh chính của GMH là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao.
Ngày 29/12, HOSE đã chấp thuận niêm yết cho hơn 1,12 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP - EVNGENCO3 (mã chứng khoán: PGV). Đây là một trong số không nhiều những doanh nhiệp có vốn hóa “tỷ USD” trên sàn chứng khoán. Cụ thể, tại ngày 5/1/2021, vốn hóa của doanh nghiệp đạt tới hơn 47.073 tỷ đồng.
Như vậy, sau hơn 3 năm giao dịch trên thị trường  UPCOM,  EVNGENCO3 sẽ chuyển cổ phiếu UPCOM lên niêm yết trên sàn HOSE. Theo EVNGENCO3, việc chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu PGV, nâng cao vị thế của công ty, tạo uy tín và cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, mang lại lợi ích cho cổ đông cũng như chuẩn bị cho chương trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại EVNGENCO3.
Trước đó ngày 27/12,  HOSE cấp quyết định niêm yết cho 93 triệu cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel - thành viên của Tập đoàn Viettel. Doanh nghiệp này hiện hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, xây lắp mạng lưới viễn thông và dân dụng, vận hành khai thác mạng lưới viễn thông…
Ngày 24/12/2021, HOSE đã cấp chứng nhận niêm yết cho 20 triệu cổ phiếu ABR của Công ty CP Đầu tư Nhãn hiệu Việt. Hiện hoạt động của Công ty CP Đầu tư Nhãn hiệu Việt tập trung vào các lĩnh vực truyền thông số hóa, đầu tư hệ thống kênh bán lẻ và đầu tư nhãn hiệu.
Ngày 23/12/2021, 267 triệu cổ phiếu HHV của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả được HOSE ban hành quyết định chấp thuận niêm yết. Dự kiến ngày 20/1/2022 sẽ là phiên giao dịch đầu tiên của HHV tại HOSE.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.673 tỷ đồng lên 11.736 tỷ đồng từ năm đến năm 2025. Công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động chính gồm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP(đối tác công tư), thi công xây lắp, quản lý vận hành và khai thác công trình hạ tầng giao thông đường bộ, bất động sản và các dịch vụ gắn liền với đường cao tốc.
Ngày 21/12/2021, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực cũng đã được HOSE chấp thuận niêm yết với mã chứng khoán EVF. Khối lượng cổ phiếu niêm yết là 304,7 triệu đơn vị. Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu EVF tại sàn HOSE là 12/1/2022.
EVN Finance được thành lập năm 2008 với mục tiêu làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên.
Không chỉ các doanh nghiệp lên đua nhau lên sàn HOSE, Quỹ ETF KIM Growth VN30 cũng đã được HOSE chấp thuận niêm yết từ 21/12/2021 và ngày giao dịch đầu tiên là ngày 7/1/2022 với mã chứng khoán FUEKIV30.
Quỹ KIM VN30 ETF là sản phẩm quỹ nội địa đầu tiên của Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam với 100% vốn Hàn Quốc. Vốn thực góp 71 tỷ đồng, tương đương 7,1 triệu chứng chỉ quỹ. Chỉ số tham chiếu của quỹ là VN30, bao gồm 30 cổ phiếu đại diện cho 30 công ty niêm yết trên HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu.
Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam thành lập từ tháng 10/2020. Hiện quy mô tài sản ủy thác của KIM Việt Nam đạt gần 23.000 tỷ đồng.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 10 triệu cổ phiếu ODE của Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE sẽ chính thức giao dịch vào ngày 10/1/2022 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 36.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa tại giá chào sàn đạt 360 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/12/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCOM.
Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE - ODE Group (mã chứng khoán: ODE) được thành lập vào năm 2016, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí - truyền hình và tổ chức sự kiện… với quy mô vốn điều lệ tính đến hiện tại là 100 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai, ngày 13/1/2022, cổ phiếu HMR của doanh nghiệp sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai vừa thực hiện IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) thành công, tăng vốn điều lệ lên hơn 56 tỷ đồng.
Vào ngày 10/1/2022 tới đây, gần 5,5 triệu cổ phiếu TOT của Công ty cổ phần Vận tải Transimex cũng sẽ chính thức rời sàn UPCoM để niêm yết trên HNX. Tuy nhiên, ngày niêm yết chính thức vẫn chưa được công bố.
Công ty cổ phần Vận tải Transimex hoạt động kinh doanh xoay quanh các lĩnh vực liên quan đến logistic như vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy nội địa; vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương; kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bốc xếp hàng hóa. Ngoài ra, công ty còn sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận tải cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải.
Thông tin được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất có lẽ Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đang thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu BAV giao dịch trên UPCM. Thời gian giao dịch dự kiến từ quý 1/2022 và giá giao dịch không thấp hơn 60,000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng hàng không cũng đang gấp rút chuẩn bị và hoàn thiện song song hồ sơ chào bán cổ phiếu BAV tại thị trường chứng khoán Mỹ (New York) ngay trong năm 2022.
Trước đó, Bamboo Airways đặt mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần, dự kiến trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), qua đó có thể nâng vốn hóa của hãng lên 4 tỷ USD.
*Đẩy mạnh thoái vốn
Bên cạnh việc đưa cổ phiếu lên sàn thì dự kiến thoái vốn nhà nước sẽ được đẩy mạnh vào năm 2022.  Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 dự kiến tại 6 doanh nghiệp thuộc danh mục theo Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 07/9/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 2.308 tỷ đồng; Tập đoàn FPT có giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 460,1 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh với giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 463,1 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong có giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 437 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam với giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 529 tỷ đồng; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam có giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 160 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), ngân sách thâm hụt do dịch COVID-19 thúc đẩy khả năng đẩy nhanh qua trình thoái vốn. Nhu cầu vốn cho đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 khoảng từ 32-34% GDP (từ 2 -2,14 triệu tỷ đồng) với mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt 90% kế hoạch. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công cho năm 2021 chỉ tương đương 7,3% GDP. Do đó, nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2022-2025 là rất lớn.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có diễn biến tích cực, nhằm tạo thêm nguồn cung có chất lượng trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa thị trường. Đây là một trong những điều kiện để xét nâng hạng, thị trường chứng khoán có thêm hàng hóa chất lượng và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thêm cơ hội đầu tư mới tiềm năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục