Sớm gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công cho địa phương

19:32' - 01/09/2021
BNEWS Ngày 1/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp trực tuyến về việc tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư với các địa phương tổ chức ngày 1/9 theo hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, cuộc họp hôm nay nằm trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. 

"Nếu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ được những khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và các dự án theo hình thức đối tác công - tư PPP sẽ giúp giải phóng được nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh. 

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, Quảng Ninh đang gặp một số nội dung khi thực hiện vướng mắc đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công. 

Thứ nhất, là những vướng mắc liên quan đến Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Ông Dương cho biết, việc thực hiện quy định trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư với tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch; đồng thời, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. 

Do đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế. 

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và Hội đồng nhân dân chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn. 

Tiếp đến, thực tế đang cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, do điều chỉnh một trong số các nội nội dung sau: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... 

"Từ thực tiễn triển khai, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện; đồng thời, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư", ông Dương chỉ rõ. 

"Do vậy, việc bổ sung các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư cần làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm theo quy định", ông Dương đề xuất. 

Về nội dung chi đầu tư phát triển đối với cấp xã, ông Dương cũng chỉ rõ, Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công vốn ngân sách cấp xã theo Khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đầu tư công tại cấp xã còn vướng mắc trong việc giao chủ đầu tư theo Điều 7 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. 

"Hiện nay, cấp xã không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng", ông Dương nêu. 

Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trao đổi với Bộ Xây dựng để có thông tư liên tịch hướng dẫn chi đầu tư phát triển đối với cấp xã. 

Giải đáp những thắc mắc của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, hiện cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, dù vậy, thì cơ chế, chính sách chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và có nhiều cách hiểu khác nhau cũng nảy sinh. 

"Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh. 

Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công; 12 nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh của Quảng Ninh, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định: "Nếu nội dung nào đúng chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ có thể sửa đổi". 

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng khẳng định, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới. 

Tại Hội nghị, Tổ công tác cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thảo luận, giải đáp ngay các vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư; cũng như trả lời thẳng thắn các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục