Sớm gỡ vướng về mặt bằng dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam

10:50' - 15/04/2020
BNEWS Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, xây dựng trong lúc dịch bệnh COVID–19 khiến “siêu dự án” điện mặt trời Thuận Nam của Tập đoàn Trungnam Group tại Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, xây dựng trong hoàn cảnh phải ứng phó với dịch bệnh COVID–19 khiến “siêu dự án” điện mặt trời Thuận Nam của Tập đoàn Trungnam Group đầu tư tại Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Nhà máy điện mặt trời có quy mô công suất 450 MW đầu tư tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp xây dựng trạm biến áp 500 kV và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Dự kiến, quý IV/2020, nhà máy điện mặt trời Thuận Nam sẽ đi vào vận hành, trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khi hoạt động, dự án sẽ giải tỏa công suất cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo của địa phương.

Dự án có tổng diện tích đất cần thu hồi trên 560 ha, trải rộng trên địa bàn 3 xã Phước Minh, Phước Ninh, Nhị Hà của huyện Thuận Nam. Thời gian qua, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do chủ đất ở nhiều xã khác nhau. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án trong hoàn cảnh phải ứng phó với dịch bệnh COVID–19 khiến tiến độ bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, dự án mới xác định được 20 trường hợp với 65,4 ha có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn lại là đất tranh chấp, ranh giới không rõ ràng hoặc không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.

Lý giải điều này, ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, do đặc điểm canh tác và hạn hán thường xảy ra nên người dân sử dụng đất không liên tục. Nhiều diện tích đất không có dấu hiệu tác động sản xuất lên hiện trạng đất đai như trồng cây hay chăn nuôi, đất đồi núi hoang hóa... nên việc xác định nguồn gốc đất rất khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận người dân lấn chiếm đất của dự án, không đồng ý với giá đền bù khiến giải phóng mặt bằng chậm.

Bên cạnh đó, việc xác định hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm đo đạc bị hạn chế do các địa phương tập trung chống dịch; không tổ chức được các cuộc họp tại địa phương, họp dân để giải quyết thủ tục hồ sơ, vướng mắc phát sinh. Các hộ dân e ngại không tiếp xúc hoặc không hợp tác với địa phương và cán bộ địa chính trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trungnam Group) - đơn vị thực hiện dự án, đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa nhận được đất do Nhà nước quản lý bàn giao. Đơn vị chỉ mới thỏa thuận được với 1/11 hộ với diện tích 1,6/22,4 ha để bàn giao mặt bằng xây trạm biến áp 500 kV; thỏa thuận được 14/203 hộ với diện tích 23/530,5 ha giao mặt bằng cho khu vực nhà máy; thỏa thuận với hộ dân giao mặt bằng được 5/34 móng trụ của đường dây 500 kV với diện tích 0,448 ha.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết, Chính phủ đồng ý cho tỉnh triển khai dự án và nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong năm 2020. Hiện công ty phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn với thời gian thực hiện ngắn.

Nếu dự án không hoàn thành đúng tiến độ, đơn vị sẽ phải đối mặt với mức phạt cam kết tại hồ sơ đăng ký đầu tư cũng như văn bản cam kết, nhất là về tiến độ triển khai, chất lượng công trình, cơ chế giá điện, bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Những điều này gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và tỉnh Ninh Thuận. Trungnam Group kiến nghị, tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp để sớm bàn giao mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án kịp tiến độ đề ra.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian triển khai dự án chỉ còn hơn nửa năm. Do đó, khâu giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư thực hiện các hạng mục dự án phải được gấp rút triển khai.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan khẩn trương phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, xác minh chủ sở hữu, nguồn gốc đất, ranh giới thuộc phạm vi thu hồi đất để ban hành thông báo thu hồi đất; đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư xử lý các vấn đề liên quan đến bảng giá đất đền bù thu hồi, tổ chức đối thoại lấy ý kiến và làm rõ những vấn đề người dân thắc mắc để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án.

Đối với phần đất người dân chứng minh sở hữu hợp pháp sẽ đền bù thỏa đáng. Trường hợp phần đất do Nhà nước quản lý mà người dân lấn chiếm sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 831/UBND - KTTH ngày 18/3/2020 thống nhất lựa chọn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trungnam Group) thực hiện dự án trên. Đây là dự án có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định sẽ triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án điện mặt trời Thuận Nam để truyền tải hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đang vận hành thương mại theo quy định; không để xảy ra tình trạng giảm công suất phát các nhà máy điện mặt trời làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện như hiện nay.

Đây là dự án đầu tiên của ngành năng lượng Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân thuộc tập đoàn Trungnam Group tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải, đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục